'TPP không phải là viện trợ không hoàn lại'

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 08/10/2015 22:49 GMT+7

VTV.vn - Đó là thông điệp về TPP mà Thứ trưởng Bộ Công Thương muốn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có cách hiểu đúng nhất về Hiệp định này.

Có thể nói, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thành công lớn của 12 quốc gia tham gia, sau hơn 5 năm với hơn 30 vòng đàm phán. Tầm quan trọng của Hiệp định thế hệ mới này đối với các quốc gia thành viên cũng như khu vực đã khiến TPP thực sự trở thành một Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới lịch sử lớn nhất từng được thông qua kể từ năm 1994, thời điểm ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vừa trở về từ cuộc đàm phán TPP cuối cùng, kéo dài 5 ngày tại thành phố Atlanta (Mỹ), cho rằng: Hiệp định TPP là một Hiệp định quan trọng bởi, trước hết, đây là một FTA, một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, chiếm 40% kinh tế thế giới và 30% thương mại toàn cầu. Thứ hai, đây là một FTA, một khu vực thương mại tự do điển hình của thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rất rộng và mức độ cam kết rất sâu. Thứ ba, đây là FTA đầu tiên đưa ra được các quy tắc cho những vấn đề mới của thế kỷ 21 như vấn đề thương mại điện tử hay vấn đề doanh nghiệp Nhà nước.

Trước câu hỏi: "Có nhiều vấn đề được coi là nút thắt trong đàm phán TPP giữa Việt Nam với các nước tham gia như quyền tiếp cận với thuốc chữa bệnh giá rẻ, doanh nghiệp Nhà nước, công đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động. Vậy, trong những vấn dề này, Đoàn đàm phán Việt Nam có đạt được mục đích của mình không?", ông Trần Quốc Khánh khẳng định: Việt Nam đạt được mục đích đề ra bởi, có những vấn đề rất khó như doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ. Thực chất, những vấn đề này đưa ra các quy tắc cùng chiều với cải cách trong nước. Do vậy, trong quá trình đàm phán, Việt Nam chỉ làm sao bảo đảm rằng, những quy tắc đó phù hợp với những việc Việt Nam đang và sẽ làm để tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Trần Quốc Khánh, khi được hỏi về thông điệp muốn gửi tới người dân và cộng đồng DN, khẳng định: "TPP không phải là viện trợ không hoàn lại. TPP tạo ra những cơ hội nhưng có nắm bắt được hay không phụ thuộc vào chính chúng ta. Điều này tránh thái độ lạc quan thái quá. Trên phương diện nào đó nên coi việc có nắm bắt được cơ hội hay không là một thách thức. Hơn nữa TPP mới chỉ được 1/2 chặng đường. Hiệp định còn phải được thông qua bởi Quốc hội của 12 nước nữa trong đó có Quốc hội của nước ta. Chắc chắn các vị đại biểu sẽ cân nhắc rất kĩ bởi Hiệp định này sẽ thay đổi toàn bộ nền sản xuất".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước