Nghề săn cá cơm trên sông Hậu

VTV9Cập nhật 10:41 ngày 26/03/2021

VTV.vn - Ở miền Tây sông nước, người dân không còn xa lạ gì với hình ảnh: "Chồng chài, vợ lưới, con câu / Chàng rể đặt lọp, con dâu ngồi nò"

Người ta nói, có một nghề hạ bạc, đánh bắt không dựa vào con nước, mà chủ yếu phải biết nhìn trời. Vừa hửng sáng thường là lúc từng đàn cá cơm nổi lên tầng nước mặt. Loài cá này không vào kênh rạch, nên ngư dân đánh bắt bao giờ cũng chọn thả lưới trên các đoạn sông lớn.

Nhìn từ xa, không khó để nhận biết khu vực bủa lưới cá cơm. Cứ khoảng 4 – 5 mét sẽ có một chiếc đèn phao, cắm cờ. Bà con còn hình thành cả những quy tắc bất thành văn để ghe tàu tránh lưới khi qua lại.

Yêu nghề, anh Sơn thuộc nằm lòng tánh ý của từng loại cá trên sông Hậu. Vì vậy, để bắt được cá cơm to, anh chọn lưới gân, tấm lưới chỉ sâu tầm 3m. Anh cho biết, lưới càng dài, càng bắt được nhiều cá, nhưng độ dài của lưới lại tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.Kéo lưới lên, vợ chồng anh Sơn bắt đầu giong ghe tìm chỗ giũ. Khác với 20 năm trước, mỗi buổi giũ cá, khúc sông này đông như họp chợ. Giờ phương tiện còn bám nghề, đếm chỉ vừa đủ 1 bàn tay.

Những mẻ cá ngày càng ít dần. Một năm nay anh Sơn bắt đầu lên bờ tìm chân phụ hồ sau mỗi buổi đi ghe. Mà có lẽ đâu chỉ riêng anh, còn bao nhiêu ngư dân khác, đâu ai ngờ rằng, nghề hạ bạc cũng có khi bạc bẽo. Chính họ đã nhận ra, khi lòng sông không còn nhiều tôm cá, mặt sông thưa vắng bạn ghe, đó là khi, miền sông nước không còn là bến đậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.