Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục, chen chúc xét nghiệm

Chuyển động 24h-Thứ bảy, ngày 24/07/2021 13:44 GMT+7

VTV.vn - Chuyện tập thể thao nâng cao sức khỏe bất chấp các quy định phòng chống dịch của một số người dân trong tuần qua là cả một câu chuyện bi hài.

Ý thức kém bao biện là "nâng cao sức khỏe trong mùa dịch"

Hôm nay (24/7), Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thi 16 của Thủ tướng Chính phủ. Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Thời gian áp dụng là 15 ngày.

Ngay trong đêm, gần như 100% các bình luận dưới những dòng thông tin đều là sự đồng lòng nhất trí của người dân Thủ đô, ủng hộ quyết định và sẽ ở nhà - như một cách chia sẻ với các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống dịch.

Thế nhưng hài hước thay, không hẹn mà gặp, nhiều bình luận lại có chung một nội dung: "Đọc xong thông tin, chắc nhiều người lại đang chuẩn bị xỏ giầy đi tập thể dục trước giờ giãn cách".

Có vẻ thói quen thì khó bỏ, xưa nay, nhiều người dân Hà Nội rất thích dạo một vòng quanh hồ bằng nhiều phương tiện khác nhau với nhiều mục đích khác nhau. Xưa thì để "nhún nhảy", còn nay lại để tập thể dục. Chuyện tập thể thao nâng cao sức khỏe bất chấp các quy định phòng chống dịch của một số người dân trong tuần qua, phải nói là cả một câu chuyện bi hài.

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục, chen chúc xét nghiệm - Ảnh 1.

Nhiều người vẫn đi tập thể dục bất chấp lệnh cấm. Ảnh: TTXVN

Ít người nhớ rằng, cách đây 2 năm, người Việt Nam lot top 10 không vui lắm quốc gia lười vận động nhất thế giới. Ấy thế mà khi đại dịch xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi.

Trước sự vô tư của một bộ phận người dân, lực lượng chức năng phòng, chống COVID-19 ở các phường, quận, lại có thêm một việc, đó là xuyên đêm đi "canh" để giải tán đám đông tập thể dục.

Điều gì đến cũng đến, UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ) vài ngày trước đã phải ra thông báo truy vết những người đi tập thể dục và đi dạo ở Hồ Tây do liên quan đến ca F0. Mà truy vết giữa hàng trăm người đi tập thể dục mỗi ngày sẽ vất vả như thế nào thì ai cũng hiểu.

Khi ý thức kém, hành xử thiếu văn minh rồi bao biện nó dưới mỹ từ "nâng cao sức khỏe trong mùa dịch" thông qua phương pháp tập thể dục bằng việc đi bộ hay đạp xe quanh hồ lúc nửa đêm bất chấp lệnh cấm", rất có thể, bạn vẫn có thể tập thể dục, tập tích cực cũng được, tập hăng hái cũng được, chỉ khác địa điểm tập mà thôi, ví dụ như chuyển từ Hồ Tây sang khu cách ly chẳng hạn.

Tập trung chen chúc giữa mùa dịch để xét nghiệm

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục, chen chúc xét nghiệm - Ảnh 2.

Người dân tập trung để đăng ký xét nghiệm COVID-19 mà không hề giữ khoảng cách an toàn phòng dịch cũng như tuân thủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Báo Tin tức

Ai cũng sợ nhiễm virus SARS-CoV-2, ai cũng muốn tránh nó thật xa, nhưng nghịch lý thay, để khẳng định mình không nhiễm, nhiều người dân ở Hà Nội nhất quyết đi xét nghiệm để có tờ kết quả âm tính theo một cách dễ dàng có nguy cơ lây nhiễm nhất.

Đây là hình ảnh diễn ra vài ngày trước tại Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế Hà Nội. Hàng trăm người chen chúc để đăng ký xét nghiệm khẳng định COVID-19 bằng phương pháp RT- PCR. Xét nghiệm được hay không thì chưa rõ, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người thì quá rõ ràng. Rất nhiều người trong số này là lái xe liên tỉnh, người chuẩn bị nhập viện điều trị các bệnh mãn tính.

Vào thời điểm đó, cũng khó lòng trách được một bộ phận người dân khi họ đang thực sự có nhu cầu cần giấy xét nghiệm COVID-19 vì những lý do chính đáng liên quan đến việc làm, sức khoẻ.

Thế nhưng một lần nữa, khi nhu cầu của bản thân không nằm trong cái chung là phòng chống dịch, thì nguy cơ lây lan sẽ không chỉ nằm trong hai từ dự đoán. Rất may là nhanh chóng sau đó, lực lượng chức năng cũng đã giải tán đám đông và có những phương án giúp người dân có cách đăng ký xét nghiệm phù hợp, đảm bảo an toàn.

Chưa COVID-19 bằng gừng, sả, tỏi…?

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục, chen chúc xét nghiệm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: SKĐS

Có bệnh thì vái tứ phương, còn để phòng bệnh thì vái mạng xã hội thế nào cũng ra cách chữa, còn chữa khỏi hay không thì chỉ cách "bắc thang lên hỏi ông trời".

Gừng, sả, tỏi… - những gia vị này, giờ như càng nóng hơn khi cùng lúc, nhiều trang facebook quả quyết rằng, chỉ cần dùng những loại gia vị này là trị được COVID-19: "Nước đun sôi, gừng , tỏi, sả giã nát rồi uống nóng. Đó là cách đối trị Covid hiệu quả, rất nhiều người đã hết bệnh".

Có người còn bình luận: "Em hoàn toàn làm đúng như thế. Xét nghiệm âm tính chỉ sau 7 ngày"

Tại một khu chợ, tưởng như các loại gia vị, sức mua không bằng các thực phẩm thiết yếu khác, vậy mà thực tế thì ngược lại. Cả gừng, tỏi, hành, sả, chanh tươi được nhiều người tìm mua cho bằng được. Những quầy bán rau cho biết: các loại gia vị này, lượng hàng vừa hút, giá bán thì lại tăng so với trước đợt dịch COVID-19. Chẳng hạn như gừng, giờ lên đến 70.000 đồng/kg, giá gần gấp đôi so với trước, vậy mà vẫn bán rất chạy.

Có người nghe người khác mách bảo, có người xem đâu đó trên mạng xã hội, vậy là cứ thế làm theo, ngày nào cũng uống nước gừng, sả và xem đó là bài thuốc để thoát khỏi COVID-19.

Vẫn biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng chữa bệnh bất chấp thì chỉ mất tiền oan. Nhà có tích trữ hàng chục cân gừng, sả mà không đeo khẩu trang, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ y tế và vẫn ra đường khi không có việc cần thiết, thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh như thường. Lúc đó thì gừng chỉ có nước đem kho cá, tỏi thì xào thịt bò, còn xả thì hấp tôm.

Nguy hiểm tình trạng mang bình oxy về tích trữ

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người Hà Nội vẫn ra ngoài tập thể dục, chen chúc xét nghiệm - Ảnh 4.

Một máy tạo oxy y tế được rao bán với giá 16,5 triệu đồng. (Ảnh: TTXVN)

Gừng sả vẫn còn là mặt hàng rẻ và dễ mua. Còn với nhiều người, với tâm lý lo xa để phòng lo âu, lại quyết định chi một số tiền lớn để mang bình oxy về nhà cũng với một niềm tin, thứ mình mang về chính là phép màu nếu chẳng may mắc bệnh.

Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập. Ngoài ra, theo Bộ Y tế, năng lực sản xuất oxy của Việt Nam rất lớn, khả năng cung ứng oxy cao gấp 30 lần nhu cầu, vì vậy, người dân không nên đổ xô đi mua bình oxy để tích trữ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, máy tạo oxy có thể dùng tại nhà cho những người mắc các bệnh suy hô hấp mạn tính chứ không phải COVID-19. Và nếu tự mua bình oxy tích trữ phòng lúc khó thở do COVID-19 là rất nguy hiểm.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Riêng đối với COVID-19 tuyệt đối không được dùng oxy tại nhà bởi vì điều trị ở bệnh viện mới cần oxy. Nếu tin tưởng vào đấy nguy hại là đến bệnh viện cũng không kịp. Tất cả những nguồn máy tạo oxy ở các thị trường là hết tất cả. Và có thể rối loạn cả thị trường, khủng hoảng thị trường. Tôi muốn nói đến giá cả cũng như tranh cướp nhau mua".

Tình yêu thương và chia sẻ trong thời khắc khó khăn

Những ngày qua, cách mà người dân cả nước gọi TP Hồ Chí Minh, là thành phố đang bị ốm, mà ốm là sẽ được quan tâm. Trong TP, những bếp ăn tình nguyện đỏ lửa ngày đêm để kịp giao đồ ăn cho người lang thang, cơ nhỡ, những khu phong toả. Những sạp hàng rau đồng giá, chỉ tặng chứ không bán, có anh còn đánh cả xe cá vào trong hẻm, gặp ai là lại tặng ngay một con cá. Có bạn viết trên Facebook rằng, có cách ly mới biết hàng xóm mình là ai, bởi mỗi ngày lại chạm mặt nhau ở khu sân chung nhận đồ tiếp tế từ khắp nơi gửi về. Đầy đủ hết, rau củ thịt cá hoa quả.

Trong group Người Quảng Trị có giới thiệu, đây là Hà, bị câm điếc bẩm sinh, thứ tài sản đáng giá nhất trong nhà Hà là sổ hộ nghèo bền vững. Vậy mà khi nhìn mọi người mang quà để chia sẻ yêu thương cùng TP Hồ Chí Minh, Hà lấy tất những quả bí xanh và chia đôi bao gạo xách đến để nhờ gửi tới miền Nam, Hà ú ớ rồi giơ tay về hướng miền Nam, như muốn nói "TP Hồ Chí Minh ơi, cho Hà gửi chút quà".

Còn khi vấn đề về lương thực thực phẩm đã phần nào được giải quyết, thì thành phố lại đón nhận những món quà đặc biệt về tinh thần. Không phải trên sân khấu lớn, cũng chẳng phải phòng trà đắt đỏ, mà ngay tại bệnh viện dã chiến số 6, số 7 với hàng nghìn bệnh nhân. Người bệnh thì luôn trong tâm trạng lo âu và mong sớm được về nhà, nhân viên y tế thì quá tải với số lượng công việc mỗi ngày… thì ngay trong thời điểm đó, âm nhạc đã được vang lên, các nghệ sĩ nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh đi làm tình nguyện đã biến sân của bệnh viện dã chiến trở thành một sân khấu đáng nhớ trong cuộc đời của chính mình, của y bác sĩ, của bệnh nhân.

Ngay tại giờ khắc đó, dịch bệnh tưởng chừng đã tiêu tan, nó được chữa khỏi bởi tình yêu thương và chia sẻ giữa người với người.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chắc chắn còn nhiều cam go, nhưng trong thời khắc khó khăn, chúng ta càng thêm thấu hiểu thông điệp: Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước