Bệnh tuyến vú không đáng sợ nếu được chẩn đoán, điều trị sớm

P.V-Thứ bảy, ngày 11/02/2023 22:46 GMT+7

VTV.vn - Các bệnh lý tuyến vú, kể cả ung thư vú, nếu phát hiện sớm sẽ được điều trị hiệu quả, đồng thời bảo tồn và tái tạo tuyến vú bằng những phương pháp hiện đại.

Hầu hết chị em đi khám vú khi thấy đau, thay đổi màu sắc, sờ thấy khối u ở "đôi gò bồng đào"... đều mang trong mình nỗi lo sợ ung thu vú. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, có đến hơn 80% trường hợp đi khám vì những thay đổi bất thường ở ngực đều là bệnh lý lành tính.

Do đó, để chị em hiểu đúng bản chất bệnh lý tuyến vú, đặc biệt là ung thư vú, Báo điện tử VTV đã phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: BỆNH LÝ TUYẾN VÚ: CHẨN ĐOÁN VÀ PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ vào 20h thứ 5, ngày 09/02/2023. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia: ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh); ThS.BS Huỳnh Bá Tấn (Bác sĩ khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) và BS.CKI Phạm Tấn Phát (Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh).

Những hiểu lầm về bệnh tuyến vú

Mở đầu chương trình, ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) nhận định, hiểu biết của chị em phụ nữ hiện nay về bệnh lý tuyến vú chưa cao. Vì vậy, khi thấy có thay đổi bất thường ở tuyến vú, hầu hết chị em đều mang trong mình nỗi lo âu rất lớn về rủi ro mắc bệnh lý nguy hiểm, nhất là ung thư vú.

Như khán giả Vy Vy thắc mắc: "Gần đây em thấy trong vú có 1 cục cứng, di chuyển được nhưng không đau. Cho em hỏi tình trạng này là bình thường hay bất thường, có phải dấu hiệu của ung thư không? Có cần đi khám không?"

Theo bác sĩ Giang, nếu u cục xuất hiện ở người trẻ tuổi đôi mươi thì 95% là bướu sợi lành. Còn phụ nữ 30-40 tuổi trở lên thì nên đi khám để tầm soát nguyên nhân. Việc khám vú lúc này cũng rất đơn giản và nhẹ nhàng, trừ khi lớn tuổi hơn nữa mới cần chụp ép vú hay nhũ ảnh.

Bệnh tuyến vú không đáng sợ nếu được chẩn đoán, điều trị sớm - Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) nhận định về nhận thức của chị em về bệnh lý tuyến vú.

Liên quan đến kích cỡ vòng ngực và bệnh vú, nhiều khán giả thắc mắc không biết ngực lớn hoặc nhỏ có làm tăng nguy cơ ung thư vú (K vú) không? Câu hỏi này lập tức được bác sĩ Bá Tấn khẳng định: "Nguy cơ ung thư vú không liên quan đến kích thước của vòng ngực".

Nhiều chị em có dự định nâng cấp vòng 1 cũng băn khoăn về nguy cơ ung thư vú. Như khán giả Thu Hà bày tỏ trăn trở: "Tôi nghe nói đặt túi ngực làm tăng nguy cơ mắc K vú. Vậy tôi có nên đặt túi ngực để sở hữu một bầu ngực đẹp hơn không thưa bác sĩ? Để khán giả Thu Hà yên tâm, Bác sĩ Bá Tấn cho biết, theo các tư liệu khoa học hiện nay, nguy cơ ung thư vú không liên quan đến việc đặt túi ngực, mà có thể liên quan đến một số yếu tố khác như: di truyền (đột biến gen), nội tiết, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu… Trước đây, có một loại túi ngực được cho là làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú, nhưng đã không còn được đưa vào sử dụng từ lâu.

Một mẹ bỉm đang cho con bú, lo sợ K vú cũng bày tỏ băn khoăn: "Em khá băn khoăn vì có người nói rằng nuôi con bằng sữa mẹ thì giảm nguy cơ bị K vú, nhưng có người cũng nói là kích thích đầu vú nhiều thì nguy cơ ung thư cao hơn. Liệu quan điểm nào mới đúng?". Đối với vấn đề này, ThS.BS Huỳnh Bá Tấn (bác sĩ khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) cho hay, hiện chưa có thông tin hay tài liệu nào công bố chuyện kích thích đầu vú nhiều gây ung thư, có thể là do dân gian truyền miệng. Còn việc nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú cũng chưa thống nhất giữa các nghiên cứu.

Chẩn đoán bệnh sớm giúp tăng hiệu quả điều trị

Hơn 80% trường hợp có những thay đổi bất thường ở vú không phải là bệnh lý, trong khi số ít trường hợp không đau, không xuất hiện bất kỳ thay đổi nào trên ngực nhưng đã hình thành u vú, bướu vú nguy hiểm. Từ nghịch lý đó, bác sĩ Thùy Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thăm khám, chẩn đoán và tầm soát bệnh lý tuyến vú: "Chị em nên đi tầm soát định kỳ hoặc thăm khám khi phát hiện những bất thường ở vú để biết chính xác vấn đề mình đang gặp phải. Ngay cả trường hợp xấu nhất là mắc ung thư vú, nếu phát hiện sớm sẽ được điều trị kịp thời giúp bảo tồn và tái tạo tuyến vú hiệu quả, từ đó đảm bảo chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe và thẩm mỹ".

"Việc chẩn đoán và tầm soát đúng còn giúp chị em tránh được tình trạng uống thuốc, đắp thuốc sai cách, khiến bệnh lý tiến triển nặng và khó điều trị hơn. Bên cạnh việc chủ động thăm khám và chẩn đoán sớm, mọi người nên cẩn thận lựa chọn địa chỉ uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bằng những thiết bị hiện đại, đúng quy trình, đảm bảo phát hiện và kết luận chính xác bệnh lý tuyến vú", bác sĩ Thùy Giang khuyến cáo thêm.

Bàn về tầm quan trọng của việc chẩn đoán, tầm soát bệnh lý tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng, BS.CKI Phạm Tấn Phát cho hay, trước đây, khi phương tiện chẩn đoán hình ảnh chưa phát triển, người ta nghĩ rằng, tự kiểm tra vú là một cách tầm soát ung thư vú. Thế nhưng sau hơn 10 năm nghiên cứu, các nước trên thế giới không còn dùng phương pháp này, bởi mỗi độ tuổi hoặc giai đoạn cụ thể thì tuyến vú sẽ khác nhau. Do vậy, việc tự kiểm tra tại nhà chỉ là một phần. Tốt nhất, mỗi phụ nữ sau 40 tuổi nên đến bệnh viện thăm khám, tầm soát bằng những công nghệ, thiết bị hiện đại để phòng ngừa và chữa trị bệnh lý tuyến vú kịp thời.

Bệnh tuyến vú không đáng sợ nếu được chẩn đoán, điều trị sớm - Ảnh 2.

BS.CKI Phạm Tấn Phát (Bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) khuyên mọi người nên thăm khám & tầm soát bệnh lý tuyến vú định kỳ.

Bước tiến mới trong tái tạo ngực sau điều trị ung thư

Nhắc đến ung thư vú, nhiều chị em thường canh cánh nỗi lo phải cắt bỏ vú, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, theo bác sĩ Giang và bác sĩ Tấn, với sự phát triển của khoa học, chị em hoàn toàn có thể bảo tồn hoặc tái tạo tuyến vú khỏe đẹp, tạo thẩm mỹ cho bệnh nhân sau điều trị.

Cụ thể, khi tiếp nhận bệnh nhân K vú, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị cá thể hóa, đa mô thức theo từng bệnh nhân. Hiện nay, có 4 phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị nội tiết, tùy theo mô học có liên quan đến nội tiết hay không.

Bệnh tuyến vú không đáng sợ nếu được chẩn đoán, điều trị sớm - Ảnh 3.

ThS.BS Huỳnh Bá Tấn (Bác sĩ khoa Ngoại Vú - BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ về phương pháp điều trị và tạo hình thẩm mỹ tuyến vú.

Theo bác sĩ Tấn, trước đây, bệnh nhân phải cắt bỏ tuyến vú và nạo hạch nách để hi vọng điều trị triệt để bệnh. Tuy nhiên hiện nay, nếu phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng những mô thức khác nhau như hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết - những phương pháp này cải thiện sống còn rất tốt. Phẫu thuật ngày nay không còn là điều trị cắt bỏ nữa mà làm sao phục hồi lại tuyến vú cho phụ nữ, giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

"Trường hợp tổn thương lớn phải cắt bỏ vú, bệnh nhân vẫn có thể tái tạo lại tuyến vú để cải thiện thẩm mỹ. Có 2 phương pháp tái tạo là sử dụng mô tự thân hoặc dùng vật liệu như túi độn để tái tạo. Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia để thực hiện mọi phương pháp. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp, giúp đạt hiệu quả điều trị với chi phí tối ưu nhất." - bác sĩ Bá Tấn nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước