Bít lỗ thông tim phát hiện khi khám tai mũi họng

Thanh Ba-Thứ ba, ngày 22/08/2023 08:00 GMT+7

Can thiệp bít lỗ thông tim. Ảnh: BVCC

VTV.vn - Khi nghe tim người bệnh có tiếng tách đôi, bác sĩ Tai mũi họng đã chuyển bệnh nhân 11 tuổi sang khoa Tim mạch khám và phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh.

Bé trai Hoàng Văn Bách (Hải Phòng) tới khám ban đầu vì viêm mũi họng cấp được phát hiện có lỗ thông liên nhĩ. Ngày 21/8, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên (Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết lỗ thông liên nhĩ đã gây giãn buồng tim cần được điều trị ngay tránh các biến chứng tiến triển như: viêm phổi tái phát, tăng áp động mạch phổi, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và giảm tuổi thọ.

Bé trai có thể trạng thừa cân, hình ảnh siêu âm qua thành ngực bị hạn chế nên các bác sĩ đã sử dụng đầu dò siêu âm tim qua thực quản 3D siêu nhỏ (9VT - D probe – GE) dựng hình và đánh giá chính xác vị trí và kích thước lỗ thông trước và trong khi tiến hành bít lỗ thông bằng dụng cụ qua đường ống thông. Sau 1,5 tiếng can thiệp, lỗ thông liên nhĩ của bé đã được bít thành công. Bé tỉnh táo, hoạt động bình thường sau 24 giờ, ra viện ngay sau 48 giờ.

Bít lỗ thông tim phát hiện khi khám tai mũi họng - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Duyên đang siêu âm tim 3D qua đường thực quản bằng đầu dò siêu âm tim qua thực quản 3D siêu nhỏ (9VT - D probe – GE) trong ca can thiệp bít thông liên nhĩ. Ảnh: BVCC

Để vá lỗ thông liên nhĩ, các bác sĩ có thể thực hiện theo phương pháp kinh điển mổ mở ngực, cưa xương ức. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này nguy cơ mất máu cao, người bệnh lâu hồi phục, nguy cơ nhiễm trùng, có vết sẹo mổ trước ngực ảnh hưởng thẩm mỹ.

Ngày nay, can thiệp qua đường ống thông chỉ bằng một vết chích nhỏ khoảng 5mm ở đùi, đưa các dụng cụ và dù bít đến vị trí mong muốn và đóng lỗ thông. Kỹ thuật không xâm lấn, không mở ngực giúp người bệnh tỉnh táo, giảm tối đa mất máu và nguy cơ nhiễm trùng, thời gian hồi phục rút ngắn.

Đặc biệt can thiệp dưới sự hỗ trợ của siêu âm tim tim qua thực quản 3D với đầu dò siêu nhỏ có thể thực hiện từ trẻ trên 5kg và nhất là người bệnh lớn tuổi nhưng có một số bất thường của thực quản như: hẹp thực quản, dị dạng cột sống….

Kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản 3D giúp tránh được khung xương sườn và khí trong phổi phía trước tim giúp việc đánh giá giải phẫu, số lượng, kích thước lỗ thông và tái tạo lại hình ảnh lỗ thông một cách chân thực nhất. Nhờ đó các bác sĩ can thiệp lựa chọn dụng cụ và chiến lược can thiệp tối ưu.

Siêu âm tim qua thực quản cũng xác định được vị trí bám của dù trên các thành của lỗ thông, xem còn các luồng thông tồn lưu hay không nhằm xác định kết quả can thiệp chính xác. Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên nhận định siêu âm tim qua thực quản là kỹ thuật quan trọng trong phối hợp điều trị thông liên nhĩ để điều trị hiệu quả an toàn với thời gian ngắn nhất.

Thông liên nhĩ là một bệnh lý tim bẩm sinh với sự xuất hiện của một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ. Lỗ thông liên nhĩ nhỏ có thể theo dõi, nhưng lỗ thông lớn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, ảnh hưởng tới cuộc sống, thể lực và tuổi thọ của trẻ trong tương lai. Bệnh cũng dễ gây ra viêm đường hô hấp trên, viêm phổi và nguy cơ nhiễm khuẩn huyết hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Bít lỗ thông tim phát hiện khi khám tai mũi họng - Ảnh 2.

Ekip can thiệp đang thực hiện bít thông liên nhĩ cho cậu bé 11 tuổi. Ảnh: BVCC

Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhưng tương đối khó phát hiện gây dễ bỏ sót cho đến khi có triệu chứng và diễn tiến bệnh trở nặng hơn. Nhiều trẻ mắc tim bẩm sinh không có biểu hiện điển hình, các triệu chứng âm thầm. Nếu không được phát hiện bệnh kịp thời có thể gây nguy hiểm, khó điều trị.

Trường hợp của bé Bách, các biểu hiện không rõ ràng, thể lực phát triển tốt. Bé chỉ được phát hiện bệnh qua một đợt viêm mũi họng cấp. Vì vậy, Tiến sĩ Duyên khuyên người mẹ nếu mang thai lần sau cũng nên tầm soát các dị tật tim thai trong lúc mang thai và sau khi sinh cho con khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Tiến sĩ Duyên cho biết, bệnh tim bẩm sinh gây ra bởi nhiều yếu tố và rất khó kiểm soát nguyên nhân nên không có cách nào đảm bảo tuyệt đối để tránh mắc bệnh này. Một số lưu ý có thể giúp giảm nguy cơ và phòng ngừa hiệu quả bệnh tim bẩm sinh. Phụ nữ trước mang thai cần được tiêm chủng phòng ngừa bệnh rubella và cúm. Trong Trong quá trình mang thai tránh uống rượu, dùng thuốc hay tiếp xúc với hóa chất trong quá trình mang thai, bổ sung axit folic mỗi ngày trong 3 tháng đầu (12 tuần đầu) của thai kỳ. Kiểm soát tốt một số bệnh nền đang mắc như: đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ hệ thống, suy. giáp, cường giáp… là rất cần thiết. Với gia đình có bệnh lý di truyền hoặc đã có con trước/lần mang thai trước bị dị tật tim thai cũng nên tham vấn và được theo dõi bởi các bác sĩ sản khoa, chuyên gia di truyền và bác sĩ tim mạch trước và trong suốt thai kỳ.

Một số thói quen sinh hoạt và lối sống khoa học giúp kiểm soát tốt diễn tiến bệnh hoặc ngăn ngừa biến chứng của bệnh tim bẩm sinh như tập thể dục, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh viêm nhiễm.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Ngày 22/8, Hệ thống bệnh viện đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề: "Bệnh tim bẩm sinh - Tầm soát, điều trị từ thai nhi đến người lớn". Các chuyên gia là bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, gồm: TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa; TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa; BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa.

Mọi vấn đề liên quan đến bệnh lý tim bẩm sinh, độc giả có câu hỏi cần nghe ý kiến chuyên gia hãy gửi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước