Cạm bẫy bủa vây cổng trường học, xử lý và quản lý thế nào?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/12/2023 06:15 GMT+7

VTV.vn - Vì sao những hiểm họa trước cổng trường học vẫn tồn tại dai dẳng và phải xử lý và quản lý như thế nào mới hiệu quả?

Ở ngay cổng trường học là "ma trận" đồ ăn vặt đầy cám dỗ. Bánh kẹo, nước lạ độc hại, thuốc lá điện tử trá hình, thậm chí nguy cơ bị người lạ dụ dỗ, bắt cóc, xâm hại… Nhiều vụ việc xảy ra liên tục từ năm này tới năm khác.

Cám dỗ "ma trận" đồ ăn vặt, kẹo lạ bủa vây cổng trường

Cả tuần vừa rồi, chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh đã rất lo lắng khi nhận được những tin nhắn kèm theo lời cảnh báo của giáo viên và các phụ huynh khác. Thông tin được lan truyền là có lô kẹo lạ bán tại cổng trường học ở thành phố Lạng Sơn bị thu giữ có chứa ma túy, trong đó có cả ở Quảng Ninh và Hà Nội.

Rất may, là sau khi xét nghiệm, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định loại kẹo này không có ma túy, nhưng đúng là hàng lậu không rõ nguồn gốc.

Dù không có ma tuý, thì các em ăn kẹo cũng đã bị ngộ độc. Và đây rõ ràng là một lời cảnh báo về việc cần nâng cao tuyên truyền để nhận diện mối đe dọa vẫn luôn rình rập ở cổng trường học, mà dường như, cứ mỗi khi có sự vụ nào nghiệm trọng xảy ra, thì mới được chú ý đến.

2 học sinh trường tiểu học Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn đã ăn 2 gói kẹo trước khi vào giờ học cách đây 2 tuần. Ngay sau khi ăn, các học sinh đã xuất hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải vào phòng y tế của trường.

Công an TP Lạng Sơn ngay sau đó đã rà soát tất cả các cửa hàng bán đồ tạp hóa ở cổng trường học và thu giữ một số lượng lớn các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 29/11, trường THCS Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) có 11 học sinh bị đau đầu, buồn nôn khoảng 45 phút sau khi ăn cùng một loại kẹo lạ có bao bì in chữ nước ngoài được mua ở ngoài trường.

Tại Quảng Ninh, ngày 27/11, tình trạng tương tự xảy ra với 29 học sinh trường THCS-THPT Hoành Mô. Thủ phạm cũng là một loại kẹo mà các em mua ở gần cổng trường.

Cạm bẫy bủa vây cổng trường học, xử lý và quản lý thế nào? - Ảnh 1.

"Ma trận" đồ ăn vặt, kẹo lạ bủa vây cổng trường

Trước sự việc nhiều học sinh ngộ độc nghi do các bánh kẹo trước cổng trường, lực lượng chức năng Nghệ An hôm qua đã kiểm tra hàng chục kiot bán bánh kẹo ở cổng trường, thu giữ gần 5.000 sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thuốc lá điện tử 'trá hình' đồ chơi tiếp cận học sinh

Rình rập học sinh ngoài cổng trường không chỉ có hiểm họa đồ ăn độc hại, mà còn có thuốc lá điện tử. Đáng sợ là thuốc lá điện tử còn núp bóng các món đồ trông giống hộp sữa, hộp đồ chơi, thỏi son, hình ảnh thần tượng tuổi teen….. nhưng thực chất là thuốc lá điện tử. Nếu không để ý, giáo viên và phụ huynh sẽ không thể biết thứ con trẻ cầm trên tay là đồ chơi thật hay thuốc lá điện tử.

Hiện đã xuất hiện tình trạng sản xuất điều chế ma túy ngay trong nước. Đối tượng xấu đã chiết ra nhiều lọ tinh dầu có ma túy nhỏ để bán tới người sử dụng trong đó đặc biệt hướng tới các em học sinh.

Theo lực lượng công an, ma túy tổng hợp khi được sản xuất với nhiều công thức khác nhau sẽ ra các chất ma túy khác nhau và mức độc hại càng ngày càng tăng.

Nguy cơ bị người lạ dụ dỗ, bắt cóc, xâm hại

Một hiểm họa khác bên ngoài cánh cổng trường cũng rất đáng báo động. Mới cách đây khoảng 10 ngày, tại Lâm Đồng, một nhóm thiếu niên lạ mặt đến trước cổng trường Tiểu học Kim Đồng cho tiền học sinh và dụ dỗ "đi chơi" cùng. Có ít nhất 21 học sinh lớp 4 và lớp 5 được cho tổng số tiền gần 800.000 đồng. Chưa rõ ý đồ của những người cho tiền học sinh, nhưng chắc chắn đó không phải là ý đồ tốt…. Tại tỉnh Nghệ An cũng đã ghi nhận những trường hợp đối tượng lạ mặt dụ đỗ học sinh ở cổng trường.

Thật đáng báo động khi những hiểm họa rình chờ học sinh ngoài cổng trường ngày càng xuất hiện nhiều, dù là lén lút hay công khai ngay trước mắt người lớn.

Nhà trường và phụ huynh có thể tăng cường dặn dò, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh báo, thậm chí cấm đoán. Lực lượng chức năng có thể tổ chức các đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, tịch thu đồ ăn không rõ nguồn gốc và thuốc lá điện tử. Nhưng để cổng trường thật sự là nơi an toàn với các em học sinh, thì những hiểm họa tồn tại dai dẳng phải được xử lý một cách có hiệu quả, có hệ thống, và phải làm thường xuyên và quyết liệt, không để đến khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra, mới lại tăng cường các biện pháp xử lý.

PGS. TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam sẽ đưa ra chia sẻ để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước