Đau đầu, mất ngủ do dị dạng mạch máu hiếm gặp

P.V-Thứ sáu, ngày 22/12/2023 08:00 GMT+7

PGS Hiền dặn dò chị Tuyên trước khi xuất viện.

VTV.vn - Chị Tuyên, 43 tuổi, bị đau nửa đầu, mắt nhìn mờ, nghe âm thanh ù ù trong tai suốt ngày đêm, phải ngủ ngồi do dị dạng mạch máu hiếm gặp.

Trước đó, chị Tuyên hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Khám tại nhiều bệnh viện Tây và Đông y, bác sĩ chẩn đoán chị bị tắc mạch máu não, cho thuốc uống nhưng không đỡ. Nhiều tháng, chị Tuyên mất ngủ, đau đầu dữ dội, phải dùng thuốc giảm đau liều cao hàng ngày, mắt có dấu hiệu lác và nhìn đôi, cả ngày chỉ ngồi kể cả lúc ngủ. Không ăn, không ngủ được khiến chị sút cân, suy kiệt, người đờ đẫn.

Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, qua chụp cộng hưởng từ, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp chẩn đoán chị Tuyên bị rò động tĩnh mạch màng cứng vùng xoang hang. Đây là một loại dị dạng mạch máu não hiếm gặp với tỷ lệ được báo cáo khoảng 0,15–0,29 trên 100.000 người mỗi năm.

Đau đầu, mất ngủ do dị dạng mạch máu hiếm gặp - Ảnh 1.

Khối dị dạng mạch máu trên ảnh chụp mạch DSA

Thông thường, máu chảy từ động mạch sang hệ thống mao mạch sau đó trở về tĩnh mạch. Tuy nhiên khi rò động tĩnh mạch, máu sẽ chảy trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch, không qua mao mạch. Rò từ động mạch sang tĩnh mạch màng cứng vùng xoang hang sẽ khiến xoang hang ứ trệ tuần hoàn, tăng áp lực lên các tĩnh mạch, đặc biệt là tĩnh mạch mắt trên và mắt dưới, gây lồi mắt, đỏ mắt, giảm thị lực.

Theo PGS Hiền, bệnh không điều trị có thể gây mất thị lực, lác mắt làm mất thẩm mỹ… thậm chí có nguy cơ vỡ, gây xuất huyết não - màng não, trường hợp nặng có nguy cơ tử vong. Kể cả khi điều trị, rủi ro vẫn khá cao, khi tắc vùng dò động mạch tĩnh mạch này có thể làm tắc các tĩnh mạch dẫn lưu của vỏ não hay thân não gây chảy máu, nhồi máu não cho người bệnh, nếu tổn thương ở thân não có thể gây tử vong.

PGS Hiền hội chẩn với bác sĩ khoa Thần kinh - Đột quỵ, quyết định điều trị xâm lấn tối thiểu bằng nút mạch, dùng các coils (vòng xoắn kim loại) để bít tắc điểm rò. Vùng rò giãn to, nút tắc hoàn toàn thì có nguy cơ gây tai biến. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và đạt mục đích điều trị (giảm tối đa triệu chứng đâu đầu, mất ngủ…), các bác sĩ đã quyết định nút tắc khoảng 90%.

Đau đầu, mất ngủ do dị dạng mạch máu hiếm gặp - Ảnh 2.

Ekip bác sĩ BVĐK Tâm Anh nút mạch để bít tắc điểm rò động tĩnh mạch màng cứng xoang hang.

Người bệnh được gây tê vùng đùi, tỉnh táo suốt quá trình nút mạch. Bác sĩ luồn ống thông siêu nhỏ tại động mạch đùi, tĩnh mạch đùi đi lên não, tiếp cận mạch máu vùng xoang hang. Ngay khi bác sĩ thả 2 vòng coils (vòng xoắn kim loại) để bít tắc điểm rò, chị Tuyên kêu lên: "Tôi không nghe tiếng kêu trong tai nữa rồi!". PGS Hiền tiếp tục thả thêm 1 vòng coils để đảm bảo hiệu quả bít tắc đạt 90%. Ca can thiệp kết thúc thuận lợi. Tĩnh mạch vỏ não và não được bảo tồn.

Sau 1 ngày, chị Tuyên tỉnh táo, đỡ hẳn đau đầu, bắt đầu nằm ngủ được vì không còn tiếng kêu trong tai. Sau 5 ngày, sức khỏe chị trở lại gần như bình thường, mắt hết đỏ, độ lác giảm 80%, được xuất viện. PGS Hiền cho biết người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường, chú ý không dùng chất kích thích, tránh cảm xúc mạnh, không làm việc quá sức.

Rò động tĩnh mạch màng cứng chiếm 10-15% các trường hợp dị dạng mạch máu não. Có nhiều vị trí rò như xoang hang, xoang ngang, xoang sigma, lều tiểu não… nhưng tại xoang hang là một trong những vị trí nguy hiểm, rủi ro cao kể cả khi điều trị.

Nguyên nhân gây rò động tĩnh mạch màng cứng có thể do chấn thương, tai nạn hoặc không rõ nguyên nhân. Bệnh thường gặp ở nữ từ 50-60 tuổi, có yếu tố thuận lợi như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường… Người bệnh có biểu hiện đỏ mắt, lồi mắt, giảm thị lực, nhìn đôi, đau đầu, nghe tiếng ù trong tai..

"Với rò động tĩnh mạch màng cứng, phát hiện chính xác bệnh rất quan trọng vì biểu hiện của bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh lý nhãn khoa", PGS Hiền nhấn mạnh. Càng để lâu, tình trạng rò nghiêm trọng, kéo theo các biến chứng như xuất huyết não, vỡ mạch máu, nhồi máu não, dẫn đến tử vong… Phát hiện càng sớm, lưu lượng rò còn nhỏ thì điều trị càng đơn giản. Khi mức độ rò lớn, gây giãn tĩnh mạch vỏ não, thân não, điều trị có nguy cơ biến chứng cao.

PGS Hiền khuyến cáo người bệnh khi thấy mắt đỏ, lồi, nhìn đôi kèm theo đau đầu, chữa đau mắt không đỡ nên đi khám chuyên khoa thần kinh. Đặc biệt nếu người bệnh có nghe thấy tiếng kêu trong đầu, rõ về ban đêm thì có nguy cơ cao về thông động tĩnh mạch não. Bệnh có thể phát hiện chính xác qua chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc hoặc chụp cộng hưởng từ.

Đau đầu, mất ngủ do dị dạng mạch máu hiếm gặp - Ảnh 3.

Lúc 20h ngày 22/12, BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Bệnh mạch máu não: Kỹ thuật hiện đại điều trị an toàn, hiệu quả". Các chuyên gia tư vấn trong chương trình gồm: PGS Nguyễn Xuân Hiền; TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Độc giả gửi câu hỏi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước