Đề xuất phương án để hạn chế ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

TTXVN-Thứ năm, ngày 14/09/2023 16:55 GMT+7

Ngập lụt trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào sáng 29/7 vừa qua. Ảnh: NLĐ

VTV.vn - Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam thống nhất phương án triển khai thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan Km24+348.

Ngày 14/9, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Thăng Long liên quan đến đề xuất thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn qua địa bàn huyện để hạn chế ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Trước đó, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam nhận được văn bản của Ban Quản lý Dự án Thăng Long về việc thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan tại Km24+348 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Qua khảo sát thực tế đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng sông Phan vào ngày 30/8/2023, Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam ghi nhận đoạn đề nghị thanh thải, khơi đào lòng sông Phan có chiều dài 1.500 mét, chiều rộng lòng sông Phan tính từ hai bên bờ khoảng 25 mét. Hiện trạng trên toàn tuyến dự kiến thanh thải, khơi đào có 7 cù lao nhỏ nằm giữa sông, trên cù lao có nhiều cây tre và cây lùm bụi mọc um tùm. Ngoài ra, hai bên dòng sông Phan có nhiều cây lùm bụi, tre và cây tạp, do đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông.

Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam thống nhất phương án triển khai thanh thải, khơi đào lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống K25+416 đến hạ lưu cầu Sông Phan Km24+348 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây của Ban Quản lý Dự án Thăng Long.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, quá trình triển khai thực hiện các đơn vị lưu ý không được tác động làm sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Các đơn vị phải liên hệ với địa phương để bố trí bãi đổ thải khi khơi đào các cù lao giữa sông; trong quá trình thanh thải có những cây là cây lấy gỗ thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Như thông tin đã đưa, từ ngày 27-29/7/2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm 28/7/2023 có mưa liên tục với lượng mưa rất lớn. Đến khoảng 4 giờ 30 phút ngày 29/7/2023 đã xảy ra ngập nước tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình  Thuận) tại lý trình Km25+419 phạm vi ngập chiều dài 100m, điểm sâu nhất chiều cao khoảng 70cm làm ảnh hưởng đến giao thông hai chiều trên cao tốc.

Ngay khi xảy ra sự ngập đường cao tốc, Ban Quản lý Dự án Thăng Long phối hợp với các đơn vị chuyên môn khảo sát toàn bộ điểm ngập nhằm xác định nguyên nhân và hướng xử lý. Theo đó, một phần nguyên nhân ngập được xác định do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước không thoát kịp theo sông Phan nên gây ngập cục bộ. Một trong những phương án được đề xuất xử lý chống ngập là tổ chức khảo sát dọc theo sông Phan để xác định các vị trí dòng chảy bị thu hẹp và xử lý khơi thông, đảm bảo khả năng thông thoát nước khi có mưa lũ xảy ra.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn và các cơ quan địa phương xử lý triệt để nguyên nhân sự cố, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu, Ban Quản lý Dự án Thăng Long kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước