Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến khó lường

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 14/06/2023 20:29 GMT+7

VTV.vn - Số ca tay chân miệng trên phạm vi cả nước liên tục tăng lên, nhiều nhất ở khu vực phía Nam. Đáng lo ngại, nhiều ca bệnh nặng phải điều trị đặc biệt.

Với sự xuất hiện của virus EV71, dịch bệnh tay chân miệng năm nay dự báo sẽ có những diến biến khó lường với việc gia tăng số ca chuyển nặng. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 12.600 ca mắc tay chân miệng, với 5 trường hợp tử vong.

Tại TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nặng đang điều trị là chủng virus EV71 và đều có kiểu gene B5. Đây chính là tác nhân gây dịch tay chân miệng lớn vào năm 2011 và 2018.

Với tình hình hiện tại, bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Virus gây bệnh có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài qua phân, nước bọt. Do đó, việc vệ sinh sạch sẽ rất quan trọng trong phòng bệnh.

Một số triệu chứng ở trẻ mắc tay chân miệng cần lưu ý là nổi hồng ban ở tay, chân, mông; miệng chảy nước bọt kèm sốt nhẹ... Khi đó, trẻ cần được cách ly, điều trị để tránh nguy cơ biến chứng nặng, thậm chí đe doạ tính mạng.

Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến khó lường - Ảnh 1.

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, khoảng 10 ngày qua cũng liên tục tiếp nhận những ca bệnh tay chân miệng mức độ nặng.

Từ đầu tháng 5 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận 12 ca bệnh tay chân miệng. Trong đó, từ đầu tháng 6 đến nay ghi nhận 9 ca thì 6 ca độ 2B - tức có dấu hiệu nguy hiểm và 3 ca độ 3 - tức ca mức độ nặng. Đến nay, bệnh viện đã làm thủ tục chuyển viện 2 ca nặng nhất.

Tất cả các ca tay chân miệng nặng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu đều dưới 3 tuổi, có tình trạng bệnh chuyển biến rất nhanh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca tay chân miệng trên phạm vi cả nước liên tục tăng lên, nhiều nhất ở khu vực phía Nam. Đáng lo ngại, có nhiều ca bệnh nặng phải điều trị đặc biệt. Và hiện cả nước đã ghi nhận 3 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế nhận định, dịch bệnh tay chân miệng năm nay dự báo diễn biến khó lường do có sự xuất hiện của virus EV71. Đây cũng là tác nhân gây dịch tay chân miệng trên diện rộng năm 2017, 2018.

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả hiện nay là giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Khi trẻ sốt cao đột ngột cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn theo dõi và can thiệp, điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước