Điểm chung trong các thảm kịch giẫm đạp: Thiệt mạng chủ yếu do ngạt thở

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/10/2022 19:33 GMT+7

VTV.vn - Trong các thảm kịch giẫm đạp, phần lớn người thiệt mạng là do bị ngạt thở chứ không hẳn do việc bị giẫm đạp gây ra.

Thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon, Hàn Quốc khiến dư luận thế giới bàng hoàng. Đây được xem là thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc trong nhiều năm trở lại đây kể từ sau vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 306 người thiệt mạng.

Thế giới từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong trong các sự kiện tập trung đông người: Vụ chen lấn nhau ở một sân vận động bóng đá ở Anh năm 1989 hay thảm kịch hành hương năm 2015 ở Saudi Arabia. Hầu hết các thảm kịch này đều có một số điểm chung.

Điểm chung trong các thảm kịch giẫm đạp

Trong các thảm kịch giẫm đạp, phần lớn người thiệt mạng là do bị ngạt thở chứ không hẳn do việc bị giẫm đạp gây ra.

Vụ việc tại con hẻm rộng chỉ 4 mét ở khu Hamilton, Itaewon là một "hiệu ứng domino" khiến hàng trăm người ngã đè lên nhau, không lối thoát.

Thảm kịch xảy ra tại Itaewon khiến người ta nhớ lại vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 9/2015 tại Saudi Arabia.

Điểm chung trong các thảm kịch giẫm đạp: Thiệt mạng chủ yếu do ngạt thở - Ảnh 1.

Đồ đạc cá nhân của các nạn nhân trong thảm kịch giẫm đạp ở khu vực Itaewon của Seoul nằm dọc con hẻm, vào đầu ngày Chủ nhật. (Ảnh: Korea Times/Jon Dunbar)

Đây được coi là một trong những vụ giẫm đạp gây thương vong lớn nhất trong lịch sử các cuộc hành hương thường niên của người Hồi giáo khi có tới gần 770 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ thảm họa trên là do một số lượng lớn người hành hương xô đẩy, chen lấn nhau.

Nếu bị mắc kẹt như vậy, trước hết, áp lực từ phía trên và phía dưới khiến nạn nhân khó thở. Sau khoảng 30 giây, lưu lượng máu lên não không đủ sẽ khiến nạn nhân choáng váng. Và khoảng 6 phút sau, nạn nhân chết vì ngạt thở. Đồng thời, mọi người cũng có thể bị thương ở chân, tay và ngất xỉu khi cố gắng thở, vùng vẫy thoát khỏi đám đông.

Những người sống sót sau các thảm kịch chen lấn đã chia sẻ rằng họ bị đẩy vào tình trạng giống như có một dòng thác người đổ lên. Họ cũng cho rằng, trải nghiệm đó giống như cảm giác bị ghì chặt vào một cánh cửa không thể mở ra.

Những tình huống nguy hiểm khi tụ tập đông người

Nhìn những cảnh tượng như vậy, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến các lễ hội hoặc sự kiện trong nước.

Một trong những sự kiện lớn nhất chính là bắn pháo hoa vào dịp Tết Âm lịch hay chương trình đếm ngược vào đêm giao thừa Tết Dương lịch ở các đô thị lớn. Con số tham gia lên đến cả trăm nghìn người. Rồi vào dịp đầu năm mới, hàng loạt các lễ hội được tổ chức tại các địa phương và cũng đã có những tình huống đe dọa đến sự an toàn của người tham gia lễ hội.

Ước tính có khoảng 1 triệu du khách tham gia lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ năm 2016. Do lượng du khách hành hương về Đất Tổ quá đông nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Lực lượng công an đã phải nhanh chóng di tản hàng trăm cháu bé, người già ra khu vực thoáng mát. Nhiều em bé được nhấc lên khỏi mặt đất đưa ra khỏi đám đông, nhiều em từng bị lạc người thân. Có người ngất xỉu khi được đưa ra ngoài.

Tại các sự kiện lớn, thông thường BTC sẽ lên nhiều phương án đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, nhưng việc tăng quá lớn số lượng người ở cùng một thời điểm khiến việc cứu nạn cứu hộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận và giải tán đám đông. PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an để tìm hiểu rõ hơn.

Phỏng vấn Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an

Tham dự lễ hội ai cũng chỉ mong vui vẻ nhưng thật đáng tiếc là vẫn xảy ra những sự cố đau lòng. Nếu chẳng may ở giữa một đám đông hoảng loạn, chúng ta sẽ phải làm thế nào?

Cách thoát khỏi đám đông hoảng loạn

Bình tĩnh, kiểm soát sự sợ hãi

Nguyên tắc đầu tiên là bình tĩnh kiểm soát sự sợ hãi.

Tìm chỗ trốn

Hãy tìm cách leo lên cây, nóc xe hoặc bất cứ thứ gì cao lớn để trèo lên.

Tiếp tục di chuyển

Nếu không thể tìm được chỗ trốn tạm thời, hãy tiếp tục di chuyển. Không cố gắng đi ngược chiều, không đứng im hoặc ngồi xuống bởi như thế sẽ bị xô ngã và bị giẫm đạp.

Nếu bị ngã hãy nằm cuộn tròn người lại theo tư thế thai nhi.

Để tay trước ngực

Để tay trước ngực để bảo vệ ngực và dễ dàng di chuyển hơn.

Cách di chuyển

Đừng cố gắng đi ngược lại dòng người, điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị ngã. Hãy di chuyển theo đường chéo. Hãy bình tĩnh để phán đoán và hành động chính xác nhất.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước