Hết ngủ ngáy lâu năm nhờ thở máy áp lực dương liên tục

P.V-Thứ ba, ngày 20/06/2023 10:58 GMT+7

Người bệnh sử dụng máy thở áp lực dương liên tục tại BVĐK Tâm Anh

VTV.vn - Bị ngáy ngủ từ trẻ, anh Trịnh Văn Tuấn, 45 tuổi được điều trị khỏi ngáy bằng phương pháp thở máy áp lực dương liên tục tại BVĐK Tâm Anh.

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết qua đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ kết luận anh bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) ở mức độ rất nặng, kèm theo giảm độ bão hòa oxy máu khi ngủ, có lúc giảm thấp nhất chỉ còn 49%.

"Bệnh có nhiều phương án điều trị, nhưng với thể nặng như anh Tuấn, phương pháp dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện ", PGS Hạnh nói. Máy này tạo ra luồng không khí với áp suất vừa đủ để giữ cho đường hô hấp trên luôn thông thoáng, ngăn các cơ vùng họng chùng xuống gây hẹp đường thở dẫn đến ngáy và ngừng thở khi ngủ.

Bác sĩ hướng dẫn anh sử dụng máy thở mỗi đêm khi ngủ tại nhà. Ngay sau đêm đầu tiên, anh đã giảm ngáy, ngủ ngon hơn, không còn tỉnh giấc giữa đêm. Nhờ chế độ kết nối từ xa của máy thở, các bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng máy của người bệnh tại nhà và điều chỉnh cho phù hợp trong trường hợp cần thiết. Sau 2 tháng thở máy khi ngủ, anh Tuấn cho biết rất hạnh phúc với kết quả điều trị.

"Ban đầu tôi chưa quen nên thấy hơi bất tiện, sau dùng quen thì rất thoải mái, quan trọng là có được giấc ngủ ngon, sáng dậy người khỏe khoắn và không còn gây phiền toái cho vợ con", anh Tuấn kể.

Anh Tuấn cho biết vài năm gần đây bắt đầu có hiện tượng ngủ há miệng, ngáy to kèm theo tiếng thở hổn hển, người thân quan sát thấy có những đợt ngừng thở ngắn khi ngủ. Sáng dậy anh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ban ngày buồn ngủ, mất tập trung.

Ban đầu, anh nghĩ ngáy là điều bình thường, lại bị nhiều năm rồi nên cố chịu đựng. Tuy nhiên thấy vợ con mất ngủ vì tiếng ngáy quá to, anh quyết định đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội thăm khám.

PGS Hạnh cho biết khoảng 75% người ngủ ngáy mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng thực tế chỉ một tỷ lệ nhỏ người bệnh được phát hiện. Điều này phần lớn do tâm lý chủ quan, cho rằng ngáy là bình thường, không đáng ngại nên không cần khám hay điều trị.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA) là một rối loạn hô hấp và giấc ngủ nguy hiểm. Đặc trưng của bệnh là các cơn ngừng thở, giảm thở trên 10 giây dẫn đến tỉnh giấc đột ngột, có thể kèm theo giảm oxy máu và tiếng ngáy to, gây gián đoạn giấc ngủ. Thay vì thức dậy trong trạng thái khỏe khoắn như người bình thường, người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, ban ngày buồn ngủ và mất tập trung, do đó có nguy cơ gây tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động và sinh hoạt.

Đặc biệt ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, đau tim, xơ vữa mạch máu, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, thậm chí đột tử ngay trong khi ngủ.

Để biết ngủ ngáy có phải do bệnh lý hay không, người bệnh cần đi khám tại các cơ sở có chuyên khoa sâu về hô hấp. BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang ứng dụng máy đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán chính xác ngưng thở khi ngủ. Người bệnh sẽ ngủ một đêm tại bệnh viện, được gắn máy đo trong lúc ngủ. Nhờ có các cảm biến, máy sẽ ghi lại dữ liệu về sự thay đổi luồng khí qua mũi, tiếng ngáy, các cử động ngực, bụng, các sóng điện não, điện tim, cử động mắt, điện cơ cằm và cử động của 2 chân. Qua bản ghi đó, bác sĩ phân tích giấc ngủ của người bệnh và dựa trên chỉ số ngừng thở/giảm thở (AHI) để đưa ra chẩn đoán cũng như đánh giá được mức độ nặng của ngưng thở khi ngủ, và ngưng thở do tắc nghẽn đường thở hay do các bệnh lí khác, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

Ngủ ngáy có thể chữa khỏi hoặc cải thiện đáng kể tùy vào nguyên nhân. Nếu ngủ ngáy đơn thuần không kèm mắc ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh khắc phục những yếu tố nguy cơ của ngủ ngáy như giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể thao, bỏ các thói quen sinh hoạt có hại như: thuốc lá, uống rượu bia hay dùng thuốc an thần và/hoặc có thể nằm nghiêng khi ngủ…, qua đó giảm ngủ ngáy.

Trường hợp ngủ ngáy có ngưng thở khi ngủ, phương án điều trị bằng máy thở CPAP là thành công nhất hiện nay. Người bệnh sử dụng máy thở CPAP tại nhà dưới sự theo dõi chặt chẽ từ xa của bác sĩ, giúp giảm trên 90% ngáy, đưa chỉ số ngưng thở - giảm thở (AHI) về bình thường, từ đó làm giảm nguy cơ biến chứng bệnh mạch vành và đột quỵ. Nếu không thoải mái với việc dùng máy thở CPAP, người bệnh có thể dùng các biện pháp thay thế khác như dụng cụ đẩy hàm để thay thế nhưng với hiệu quả thấp hơn.

Trong một số trường hợp, các bác sĩ lựa chọn phương án phẫu thuật điều trị ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ, chủ yếu ở người không thể dung nạp được với thở máy hoặc có các bất thường vùng mũi họng. Các bệnh lý tai mũi họng gây ngáy thường là lệch vách ngăn mũi, phì đại amidan, màn hầu thấp, khe họng hẹp hay bất thường giải phẫu vùng hàm mặt ở trẻ có dị tật bẩm sinh… Phẫu thuật như cắt amidan, nạo VA, cắt cuốn mũi hay chỉnh hình màn hầu, lưỡi gà,... có thể điều trị khỏi ngủ ngáy trong những trường hợp này.

THUMB_WEB (4)

Lúc 20h ngày 20/6, BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Ngủ ngáy: Chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật hiện đại". Các chuyên gia sẽ giải đáp chi tiết về những bệnh lý tiềm ẩn gây ngáy ngủ, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả ngáy ngủ đang được áp dụng tại Việt Nam.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia về điều trị ngủ ngáy giàu kinh nghiệm tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội: PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; ThS.BS Phùng Thị Thơm, Bác sĩ khoa Hô hấp; ThS.BS Dương Đình Lương, Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng.

Độc giả có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây để được tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước