Ka Lăng - Miền đất "mùa no, mùa đói"

Thanh Huyền – Đăng Huy-Thứ hai, ngày 01/04/2019 20:08 GMT+7

VTV.vn - Cuộc sống của người dân ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu vẫn còn bấp bênh với hai mùa - mùa no, mùa đói.

Chông chênh đường lên dẻo cao

Ka Lăng gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ đầu bởi sự heo hút, xa vời vợi giống như nhiều vùng cao khác, nhưng ấn tượng khác nhất là vị trí của nó. Xã miền núi này nằm ở thượng nguồn sông Đà. Đường đi vào nơi đây làm chùn bước chân của người lữ hành như chúng tôi.

Theo lời của các anh bộ đội biên phòng, đường vào xã nay đã dễ đi hơn nhiều, nhưng do địa hình miền núi chia cắt, đường giao thông độc đạo nên khi mưa lũ đi lại rất vất vả. Xuất phát từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đi hơn 300 km qua rừng núi mất đến 7 tiếng thì mới tới được đồn biên phòng Ka Lăng đủ hiểu sự khó khăn của giao thông khu vực này.

Ka Lăng - Miền đất mùa no, mùa đói - Ảnh 1.

Ngày chúng tôi thăm Ka Lăng rất may thời tiết khô ráo, dễ đi. Nhưng các cán bộ biên phòng ở đây nói rằng ngày mưa đường rất xấu, đi lại trơn trượt vất vả vô cùng. Đường đi giữa các điểm trường cách nhau chừng 2 km mà đi mất hàng tiếng đồng hồ.

Thắt lòng "mùa đói" vùng cao biên giới

Gặp gỡ Trưởng trạm đồn Biên phòng Ka Lăng, Thượng úy Nguyễn Văn Quý, chúng tôi biết được rất nhiều câu chuyện thú vị. Chúng tôi gặp anh và 5 chiến sĩ biên phòng khi họ vừa đi tuần tra biên giới về. Một đợt tuần tra biên giới kéo dài 10 ngày, các anh đem lương thực và nước uống đi, ngủ lại rừng. Với một ấm trà mạn, anh nói cho chúng tôi nghe về “ mùa đói” ở Ka Lăng.

Ka Lăng - Miền đất mùa no, mùa đói - Ảnh 2.

Đồn biên phòng Ka Lăng.

"Mùa đói" Ka Lăng từ tháng 8 đến tháng 1 (năm sau). "Mùa no" ở đây từ tháng 2 đến tháng 7, đó là những tháng đồi nương có ngô non và rừng già cho nhiều rau. Người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số La Hủ với lối sống du canh du cư, nghèo đói, lạc hậu... Vào "mùa no", họ lên nương hái ngô, vào rừng hái rau, sống tạm bợ không tính toán mai sau, không biết chữ.

Vì thế đến "mùa đói" khổ cực rất nhiều, những đứa trẻ vùng cao không có quần áo ấm mặc, không có lương thực ăn. Có đứa trẻ trên mặc áo len nhưng bên dưới lại ở truồng giữa cái giá lạnh núi rừng biên giới. Thêm nữa, diện tích đất canh tác cũng như kỹ thuật canh tác còn rất nhiều hạn chế nên quá trình thoát nghèo của người dân vô cùng khó khăn. Đó là lý do vì sao xã miền núi này là một trong những xã nghèo ở tỉnh Lai Châu.

Ka Lăng - Miền đất mùa no, mùa đói - Ảnh 3.

Ka Lăng “mùa đói”

Trăn trở của người chiến sĩ biên cương

Tâm sự với chúng tôi về cái đói nghèo của bà con vùng cao biên giới, anh Quý trăn trở: "Khó khăn nhất vẫn là thay đổi nếp sống du canh du cư của đồng bào". Người dân La Hủ quen với việc đốt nương làm rẫy, họ đốt rẫy tra ngô, không quen với phương thức trồng cấy lúa nước. Bởi thế, bộ đội biên phòng gần dân, gắn bó với dân đã cố gắng rất nhiều để người dân định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

Khó khăn nhất là khi người dân bỏ về không trồng lúa nữa, các anh đến tận nhà vận động bà con ra rẫy, hướng dẫn từ cách cầm cuốc, trồng lúa, chăn nuôi lợn, trâu, bò. Anh Quý cười xòa: "Cứ ngày nào không đi tuần tra thì đến bản rồi đi làm nương cùng bà con. Sướng nhất là ngày thu hoạch, lúa về tới đâu, cười giòn tan tới đó".

Ka Lăng - Miền đất mùa no, mùa đói - Ảnh 4.

Người dân tộc La Hủ tại Uỷ ban nhân dân xã Ka Lăng.

Quân dân Ka Lăng kéo dài "mùa no"

Điều hạnh phúc nhất của cán bộ chiến sĩ nơi đây là các anh đã giúp đồng bào "kéo dài mùa no". Với sự nỗ lực đưa phương thức canh tác lúa nước vào nông nghiệp, đồng bào La Hủ đã có gạo, đã bớt đói, bớt bấp bênh vì những "mùa đói" dai dẳng.

Bộ đội biên phòng cũng giúp đồng bào ở đây xóa mù chữ. Ở Ka Lăng đã có trường học, người La Hủ cho con em đi học, tỉ lệ đạt đến 97%. Bộ đội đã giúp dân dựng nhà theo chương trình "Mái ấm cho người nghèo biên giới". Nhà cửa của người dân La Hủ được xây dựng vững chắc hơn giữa núi rừng, mái lá được thay bằng mái tôn, cuộc sống người dân được thổi vào làn gió mới.

Ka Lăng - Miền đất mùa no, mùa đói - Ảnh 5.

Đi thăm bản làng trong xã Ka Lăng, chúng tôi gặp anh Lù Văn Bính, anh nói: "Tuy vẫn còn khó khăn, mùa lũ giao thông chia cắt, Nhà nước vẫn phải trợ cấp gạo cho chúng tôi nhưng những ngày đói đã ít đi rồi". Thời gian này người dân Ka Lăng cũng đang bận rộn cho việc lên nương. Với bản tính chăm chỉ, thật thà của người vùng cao, họ đang cố gắng từng ngày để thay đổi cuộc sống.

Chúng tôi đến nhà trưởng bản Khà Sung, giữa cái lành lạnh của Ka Lăng, mùi ngô nếp nướng quấn quanh gian nhà mới, người dân La Hủ quây quần đón những vị khách lạ miền xuôi. Những đứa trẻ chạy nhảy lăng xăng rồi sà vào lòng mẹ, những người đàn ông ngồi cùng bộ đội biên phòng kể về mùa lên nương mới. Xung quanh khói bếp và mùi ngô nếp nướng là mùi của ấm no và hy vọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước