Khi tiêm vaccine cho trẻ cần lưu ý những gì?

Phú Tiến-Thứ ba, ngày 21/11/2023 15:38 GMT+7

VTV.vn - Vaccine và chủng ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Những lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ em", bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có người làm việc trong chuyên ngành Truyền nhiễm, hay người đã từng mắc bệnh, hoặc có người thân mắc bệnh mới có thể cảm nhận được tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh. Khi trẻ bị mắc bệnh, thì gia đình và xã hội sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và ngân sách để điều trị bệnh cho trẻ. Nhưng nhiều khi cũng không mang lại kết quả như ý muốn nếu phát hiện muộn, bệnh diễn tiến nặng sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ.

Tiêm ngừa đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và tránh được nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ

Theo BSCKII. Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh), tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh rất cao với nhiều loại bệnh như bệnh viêm phổi, tiêu chảy, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt… Nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, thì khi mắc bệnh, bệnh có thể sẽ diễn tiến nặng dẫn đến tử vong hoặc sẽ để lại di chứng, biến chứng rất nặng nề. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa chương trình chủng ngừa mở rộng cho trẻ em vào kế hoạch phòng bệnh cho các quốc gia. Từ đó, đã cải thiện được tỉ lệ tử vong, biến chứng có thể xảy ra cho trẻ.

Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều có chương trình chủng ngừa quốc gia và vaccine được xem là một trong những biện pháp can thiệp y tế công cộng an toàn nhất, hiệu quả nhất và thành công nhất nhằm ngăn ngừa tử vong và cải thiện cuộc sống.

Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân và chủng ngừa thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Đồng thời, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách, giữ gìn vệ sinh nhà ở và đảm bảo thông thoáng; thực hiện chủng ngừa cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tại Việt Nam, từ năm 1981, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho trẻ. Hiện trong chương trình chủng ngừa mở rộng Quốc gia, có 10 bệnh bắt buộc trẻ em phải được phòng ngừa khi trẻ dưới 5 tuổi: lao, viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, Rubella, haemophilus influenzae type B, BSCKII. Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Cần chủng ngừa kịp cho trẻ để có được những miễn dịch cơ bản

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trẻ mới sinh ra, có một số kháng thể từ mẹ được giữ lại, nhưng không đủ hoàn hảo để bảo vệ trẻ. Trong 6 tháng đầu tiên có những bệnh không tạo được miễn dịch cho dù trẻ có bú mẹ hay có kháng thể của mẹ, lúc đó cần cố gắng làm sao để chủng ngừa kịp cho trẻ để có được những miễn dịch cơ bản. Nên lịch chủng ngừa thường sẽ bắt đầu vào tháng thứ 2, 3, 4 hoặc 2, 4, 6. Miễn dịch cơ bản có thể kéo dài đến 1,5 năm, sau thời gian này sẽ bắt đầu lịch phòng ngừa nhắc lại. Cần lưu ý, bệnh có thể xảy ra đối với trẻ chưa được chủng ngừa đầy đủ trong 6 tháng đầu đời.

"Các bậc cha mẹ cũng cần biết, thông thường vaccine được chọn lựa để ngừa các tác nhân gây bệnh quan trọng nhất, chứ không phải ngừa hết tất cả các tác nhân gây bệnh. Có những trẻ đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh, có thể do những nguyên nhân sau: tiêm chưa đủ liều hoặc không đúng cách, hoặc sau thời gian dài không tiêm nhắc lại. Nhưng nếu trẻ đã được phòng ngừa, thì khi mắc bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và không có biến chứng " - bác sĩ Khanh chia sẻ.

Mặc dù, thỉnh thoảng có một số trường hợp có miễn dịch không hoàn hảo, dù có chích ngừa nhưng vẫn bị bệnh. Nhưng đa số các vaccine cơ bản như: bạch hầu, uốn ván, ho gà hay sốt bại liệt, hay phế cầu… gần như là ngừa được bệnh hết. Đa số các vaccine cơ bản, tạo được kháng thể cho trẻ đạt trên 90%.

Do vậy, việc phòng ngừa bệnh đúng thời điểm, đủ liều, đúng lịch sẽ rất là quan trọng. Nếu được phòng ngừa bệnh đầy đủ thì trẻ sẽ được bảo vệ và cũng đồng nghĩa với tỉ lệ nhiễm bệnh, di chứng, dị tật, tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra cho trẻ cũng sẽ giảm đi. Để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ, các bậc phụ huynh cần được tư vấn với bác sĩ của mình về lịch phòng ngừa các bệnh lây truyền cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước