Khu vực Nam Bộ đề phòng triều cường gây ngập úng và xâm nhập mặn

PV (Theo TTXVN)-Thứ hai, ngày 02/10/2023 17:57 GMT+7

VTV.vn - Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, độ cao sóng khu vực ven bờ Nam Bộ dao động 0,5 - 1,5m. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4 - 4,1m.

Theo Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng, trong 24 giờ tới, độ cao sóng trên vùng biển ven bờ phía Đông Nam Bộ phổ biến 0,5 - 1,5m. Mực nước tại ven biển phía Đông Nam Bộ có xu hướng giảm, mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,1m.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, độ cao sóng khu vực ven bờ Nam Bộ dao động 0,5 - 1,5m. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4 - 4,1m. Cùng với đó, mưa to cục bộ vẫn tiếp tục xảy ra tại khu vực Nam Bộ trong những ngày tới.

Ông Phùng Tiến Dũng khuyến cáo, do ảnh hưởng của triều cường, các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực phía Đông Nam Bộ.

Trong tháng 10/2023, khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện thêm đợt triều cường từ ngày 27/10 - 1/11. Đợt triều cường này sóng biển có thể đạt trên 4,2m. Nếu kết hợp với gió mùa Đông Bắc, đợt triều cường này sẽ có nguy cơ tiếp tục gây ngập úng vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao cho khu vực Đông Nam Bộ.

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, trong ngày 1 - 2/10, mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ.

Tại tỉnh Bình Dương, mưa lớn kéo dài từ sáng đến trưa 2/10 đã khiến nhiều đoạn đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ngập, nhiều xe máy, ô tô ngập nước, chết máy, người dân di chuyển khó khăn. Mưa lớn khiến nhiều đoạn đường trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một bị ngập nặng, có nơi bị chia cắt. Ngập nặng nhất là khu vực Bệnh viện Vạn Phúc (đoạn đường Hồ Văn Cống), con đường chính vào phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, khu vực ngã ba cống đường Thích Quảng Đức ở phường Phú Cường và các điểm ngập trên Quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Thuận An.

Sáng 2/10, triều cường ở thành phố Cần Thơ lên mức 2,13m, vượt báo động 3 là 0,13m đã khiến nhiều tuyến phố, con hẻm ở Cần Thơ biến thành sông. Nước lên cao đúng giờ cao điểm buổi sáng, tràn vào nhà dân khiến việc buôn bán, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều), đoạn từ cầu Rạch Ngỗng đến ngã tư đường Võ Văn Kiệt được xem là một trong những "rốn ngập" của Cần Thơ mỗi khi tới đợt triều cường. Nơi ngập sâu nhất gần hết bánh xe máy. Trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn trước cổng Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, nước ngập rất sâu khiến người dân đến khám, chữa bệnh rất vất vả. Một số người đi xe máy chở bệnh nhân đến khám bị ngã xe do bị những đợt sóng lớn từ các xe ô tô chạy qua đánh vào.

Mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chiều tối ngày 1 và sáng 2/10 cũng làm nhiều khu vực bị ngập nặng. Các quận 7, 8, thành phố Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh và các huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè cùng các huyện ngoại thành đều bị ngập nước… , các phương tiện di chuyển khó khăn trên đường.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã cử lực lượng chức năng lập chốt canh trực hai bên điểm ngập để cảnh báo người dân không qua khu vực nguy hiểm, vì nước đang chảy xiết, đồng thời hỗ trợ học sinh đến trường và người dân lưu thông an toàn. Tại các nút giao, cảnh sát giao thông được huy động để phân luồng, điều tiết giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường, ngập úng có thể xảy ra, theo hướng dẫn của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng, triển khai việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.

Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho chủ phương tiện vận tải thủy biết thông tin về ngập úng để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó triều cường, ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước