Làm sao để dẹp nạn “xe dù, bến cóc” trước dịp Tết Nguyên đán?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/01/2024 12:27 GMT+7

VTV.vn - Càng về cuối năm, tình trạng dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định càng diễn biến phức tạp khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Dịp cuối năm là mùa cao điểm của cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa. Đây là giai đoạn các DN bước vào mùa sản xuất, kinh doanh phục vụ lễ, Tết và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu đi lại của người dân cũng tăng cao, khiến khu vực quanh các bến xe luôn đông đúc, ùn tắc xảy ra do tình trạng các xe dù, bến cóc, đỗ dừng sai quy định để đón trả khách diễn ra thường xuyên. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân xử phạt, nhưng vi phạm vẫn tái diễn.

Tại khu vực bến xe Mỹ Đình, chỉ trong khoảng hơn 2h nhóm Phóng viên liên tục chứng kiến hàng chục xe khách nối đuôi nhau hoạt động dừng đỗ trên tuyến đường Phạm Hùng để tìm kiếm hành khách , nhiều xe chạy kiểu rùa bò, thậm chí nhiều xe dừng đỗ luôn tại lòng đường để đón khách. Đặc biệt có rất nhiều tuyến xe khách cố định, xe hợp đồng ngang nhiên đi vào các tuyến phố cấm xe khách hoạt động ,nhiều thời điểm gây ùn tắc tại các tuyến phố này.

Theo các lực lượng chức năng tại đây cho biết, nhiều đợt ra quân để xử lý tình trạng này, tuy nhiên khi nào thấy bóng lực lượng chức năng như các lái xe lại báo hiệu cho nhau để chạy, tránh né gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt tổng cộng trên 3.000 trường hợp vi phạm , trong đó có trên 2.000 trường hợp dừng, đỗ sai quy đinh, gần 200 trường hợp đón, trả khách sai quy đinh.

Làm sao để dẹp nạn “xe dù, bến cóc” trước dịp Tết Nguyên đán? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng xử phát 'xe dù'.

Càng về cuối năm, tình trạng dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định sẽ càng diễn biến phức tạp, dẫn đến việc ùn tắc và mất an toàn giao thông trên các tuyến đường quanh bến xe, lực lượng chức năng sẽ thành lập tổ liên ngành với thanh tra giao thông, CSGT, công an quận, huyện kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi trên, bên cạnh đó cũng sẽ xử lý qua camera phạt nguội hay hình ảnh do người dân cung cấp.

BẤT CẬP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH LIÊN TỈNH

Tình trạng xe khách bỏ bến. ra ngoài chạy xe dù đang trở thành một thách thức với vận tải hành khách liên tỉnh. Ví dụ theo thống kê của Bến xe Miền Đông, tính đến tháng 9/2023 bến xe chỉ còn 55 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tức là giảm hơn 1 nửa so với 106 doanh nghiệp đăng ký hoạt động cuối năm 2022. Đây là hệ quả của những bất cập trong quản lý hệ thống vận tải hành khách, đặc biệt là giữa xe khách và xe hợp đồng

Một nhà xe đã có một thời gian bỏ bến ra ngoài hoạt động đón khách đi về theo tuyến Hà Nội, Thanh Hóa. Sau khi được lực lượng chức xử lý và tuyên truyền hiện đã quay trở lại bến hoạt động. Dù lượng khách được duy trì khá ổn định nhưng họ cũng nhận thấy rõ những thiệt thòi của các đơn vị vận tải khách tuyến cố định với những xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách.

Xe hợp đồng thì hoạt động tự do, còn xe khách liên tỉnh hoạt động đúng qui định phải chịu khá nhiều loại thuế, phí. Hơn thế nữa họ cũng phải tuân thủ sắp xếp theo nốt xe. Tùy theo từng tuyến các nốt xe cách nhau 10 đến 15 phút hết thời gian xe buộc phải xuất bến dù có khách hay không. Để bù đắp chi phí chuyến đi lái xe đương nhiên sẽ ra ngoài dừng đỗ đón thêm khách và nhiều khi để giảm chi phí họ sẽ bỏ bến ra ngoài hoạt động.

Làm sao để dẹp nạn “xe dù, bến cóc” trước dịp Tết Nguyên đán? - Ảnh 2.

Nhức nhối nạn 'xe dù, bến cóc', đặc biệt là dịp trước Tết Nguyên đán.

Cũng phải nói tới hệ thống quản lý dữ liệu. 8 năm trước có khoảng 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh bắt buộc gắn thiết bị GPS và mới đây gắn thêm camera. Mỗi năm doanh nghiệp tốn gần 1.000 tỉ để truyền thông tin về hệ thống xử lý, khai thác dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam. Việc triển khai lắp đặt được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý, ngăn chặn tình trạng xe vi phạm, kéo giảm tai nạn giao thông. Nhưng đến nay hệ thống này mới phát huy hiệu quả rất hạn chế

HỆ THỐNG QUẢN LÝ DỮ LIỆU CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Hiện dữ liệu GPS chỉ để tra cứu, nhắc nhở và thống kê. Nếu doanh nghiệp vi phạm 5 lần/1.000km/tháng thì thu hồi phù hiệu. Trong khi đó, dữ liệu không thể sử dụng để xử phạt vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình, đi vào đường cấm, giờ cấm; không thể lọc các hành vi đón trả khách ngoài bến lặp đi lặp lại (xe dù bến cóc) để chế tài. Cục Đường bộ Việt Nam hiện có các máy chủ đầu tư từ 2015 nên công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý. Dữ liệu tổng hợp hằng tháng chưa cập nhật kịp thời dẫn đến việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm. Nguồn kinh phí để nâng cấp, duy trì và vận hành các hệ thống quản lý hoạt động vận tải hầu như không có. Các hệ thống hiện nay chủ yếu do các đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí

Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhất là từ ngày 23 tháng Chạp dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 300% - 350% so với ngày thường. Vấn đề đặt ra lúc này không phải là thiếu xe phục vụ hành khách mà là làm sao để việc vận chuyển an toàn, thông suốt, lành mạnh.

Các lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý những phương tiện đón trả khách không đúng quy định. Những chính sách rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn giữa xe hợp đồng và xe khách cũng cần sớm được ban hành để không kéo dài tình trạng mập mờ, trục lợi, khó quản lý. Bài toán quản lý bằng công nghệ cũng cần sớm có lời giải thỏa đáng, bởi hiệu quả to lớn về mặt an ninh, kinh tế và xã hội mà hệ thống này mang lại.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước