Làng bánh chưng Tranh Khúc "đỏ lửa" ngày cận Tết

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 14/01/2023 21:38 GMT+7

VTV.vn - Không khí sôi nổi, tất bật gói bánh và khẩn trương để kịp giao những xe hàng là hình ảnh của nhiều hộ gia đình tại làng Tranh Khúc, Hà Nội vào những ngày này.

Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh gắn liền với truyền thuyết thuở xa xưa vẫn luôn gợi nhắc lòng tri ân, thành kính nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của mỗi người con đất Việt, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về. Làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc có 104 hộ sản xuất, trong những ngày này nhộn nhịp hơn cả.

Số lượng đơn bánh chưng tăng, nên anh Đặng Văn Đoàn (Thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) đã phải huy động người thân trong nhà và thuê thêm nhân công để kịp đáp ứng nhu cầu dịp Tết.

"Nói chung nhu cầu tăng rất là cao. Nhà tôi cái tháng Tết bán khoảng 25.000 - 30.000 bánh chưng. Mình phải chọn lựa kỹ các cái nguyên liệu đầu vào, và cùng làm cùng sản xuất để tạo điều kiện tăng thu nhập tết cho bà con. Cứ phải đông vui nhộn nhịp như thế này mới có không khí Tết. Đi qua có mùi luộc bánh chưng, đấy cảm giác Tết về", anh Đoàn cho hay.

Lá dong, đậu xanh, thịt lợn, đặc biệt là loại gạo nếp cái hoa vàng, đây là những nguyên liệu để tạo ra được chiếc bánh ngon, đạt đúng chuẩn hương vị. Ngoài nguyên liệu, theo bà Phạm Thị Tuyết (Thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội), "trình độ chuyên môn" của người thợ cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của làng nghề.

"Vào dịp gần Tết này thì sáng cứ tầm 5-6 giờ dậy rồi, có người thức đêm trông bánh trông cả đêm. Cũng làm theo các cụ là sắp lá, gói tay như thế này chặt chẽ. Nếu gói khuôn nó lỏng, bánh ăn sẽ nhão không ngon bằng gói tay. Làng nghề mà, ai gói cũng đẹp hết, cũng chặt tay không cần khuôn", bà Tuyết cho hay.

Làng bánh chưng Tranh Khúc đỏ lửa ngày cận Tết - Ảnh 1.

"Trình độ chuyên môn" của người thợ cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của Làng bánh chưng Tranh Khúc

Không chỉ tự hào về làng nghề truyền thống làm bánh chưng lâu đời, đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người lao động mà bánh chưng Tranh Khúc còn đang lưu giữ và lan tỏa diện mạo mới của địa phương.

"Các hộ gia đình làm cũng tất nập. Cơ bản phải chuẩn bị lá dong, đậu gạo để phục vụ từ ngày Rằm tháng 12 Âm lịch đến 28 - 29 Tết. Cũng hỗ trợ cho các hộ sản xuất làng nghề và về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân", ông Nguyễn Văn Mão - Phó Chủ tịch xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội cho hay.

Khắp các con ngõ thơm mùi bánh, Tết có lẽ đến sớm hơn với người dân ở đây. Ai cũng hân hoan trong niềm vui công việc và gửi vào những chiếc bánh ước mơ về một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước