Người lao động nỗ lực vượt khó, lạc quan sau đại dịch

VTV Digital-Thứ tư, ngày 25/05/2022 12:37 GMT+7

VTV.vn - Ở thời điểm hiện tại, cuộc sống bình thường mới với nhiều tín hiệu tích cực đã giúp người lao động thêm những cơ hội mới để sống tốt hơn.

Hơn 2 năm, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hàng triệu người lao động. Nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước đã được ban hành trong và ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát nhằm giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ở thời điểm hiện tại, cuộc sống bình thường mới với nhiều tín hiệu tích cực đã giúp người lao động thêm những cơ hội mới để sống tốt hơn. Và đặc biệt, nỗ lực vượt khó, lạc quan với cuộc sống sau dịch đã và đang trở thành tâm thế của người lao động bởi nếu như người bi quan luôn tìm thấy khó khăn trong mọi cơ hội thì người lạc quan lại luôn tìm thấy cơ hội ngay trong những khó khăn.

Người lao động lạc quan sống sau đại dịch

Hai chữ "là cha" khiến ông Nguyễn Đức Tình (TP Hà Nội) rơi nước mắt. Đó là chuyện của gần 1 năm trước, khi công việc chở hàng và chạy xe ôm của người đàn ông 56 tuổi với cảnh gà trống nuôi 4 con không thể làm gì vì dịch bệnh và giờ vẫn màu áo ấy nhưng không còn nước mắt.

Ông Tình chia sẻ: "Sáng tôi đi chở hàng, chiều chạy xe ôm. Những khu nhà quanh đây người ta thấy mình làm tử tế thì cũng hay gọi, cứ có việc và chịu khó là được nhưng phải tính toán".

Có việc phải gắn với chịu khó và chịu khó phải đi liền với căn cơ bởi tài sản của cả gia đình 5 người vẫn chỉ có căn phòng nhỏ, vắng đồ đạc cùng 1 cái tủ lạnh không mấy khi có đồ ăn thừa.

Ông Tình chia sẻ thêm: "Nói chung với nhà giàu thì không nói làm gì còn với nhà mình thì cũng hài lòng, ăn uống đủ chất, không thừa".

Hài lòng dù tiền ăn cho 5 người trong 1 ngày phải dưới 120.000 đồng, đó không phải là lạc quan tếu, đó là cách để một lao động tự do, một người cha thành chỗ dựa cho 4 người con học tốt và thương cha dù ít khi mở lời - "bố em làm xe ôm, thường đi từ sáng đến tối mới về; bố em vất vả kiếm tiền để nuôi 4 chị em em học, em sẽ học giỏi, kiểm nhiều tiền để chăm sóc bố khi bố già".

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 2 năm bùng phát dịch COVID-19, có tới 70% người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và sức khỏe. Ðến nay, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, cuộc sống đang dần trở lại như trước dịch. Tuy nhiên, đa số công nhân, người lao động vẫn còn gặp không ít khó khăn do hệ lụy kéo dài của đại dịch. Để trang trải cuộc sống, phần lớn người lao động hiện nay cũng thích nghi với hoàn cảnh, chủ động kiếm thêm việc làm để gia tăng thu nhập.

Người lao động xoay đủ nghề sau đại dịch

Anh Đới Văn Duy (tỉnh Nam Định) chia sẻ: "Lái taxi công nghệ bây giờ nếu chăm chỉ thì cũng được 8 - 9 triệu/tháng".

8 - 9 triệu/tháng, đồng nghĩa với đó, anh Duy phải lái xe khoảng 10 - 12 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng, số tiền này mới chỉ đủ sinh hoạt chi tiêu, trang trải cuộc sống khi hai vợ chồng từ Nam Định lên Hà Nội làm việc.

Để có thêm phần tích lũy, thời gian rảnh, anh bán hàng online để gia tăng thu nhập.

Người lao động nỗ lực vượt khó, lạc quan sau đại dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ

Với tài xế taxi truyền thống, mức thu nhập giảm 50 - 70% so với trước dịch. Tại Hà Nội, theo thống kê của Hiệp hội taxi thành phố, có đến 50% tài xế đã bỏ nghề. Phần lớn trong số này là lao động ngoại tỉnh, quyết định tìm việc ngay tại địa phương thay vì quay lại Hà Nội.

Ông Đặng Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT hãng taxi Thành Lợi - cho biết: "Người ta phải tìm việc làm mới ổn định vì còn gia đình nên để quay lại với nghề thì họ phải cân nhắc doanh thu, chi phí ăn tiêu ở Thủ đô".

Còn với những lao động ngay tại địa phương như anh Trần Xuân Bắc (tỉnh Nam Định), xoay xở để tìm thêm việc, kiếm thêm thu nhập cũng là nỗi trăn trở. Bởi thu nhập tại công ty, làm đủ ca cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng trong khi thường phải gánh vác kinh tế cho một gia đình 5 - 6 người.

Chưa tìm được công việc làm thêm, sau những ca làm 8 tiếng, anh Bắc lại cuốc xới ruộng vườn. Nguồn thu lớn thì không dám mong nhưng anh bảo ít nhất cũng có thêm đồng ra, đồng vào hay đỡ được tiền mớ rau, con cá.

Xoay đủ nghề để gia tăng thu nhập sau đại dịch là điều tất yếu với mỗi người lao động. Cũng bởi theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn, có khoảng 56% công nhân bị giảm lương cơ bản do ảnh hưởng bởi đại dịch. Đa số bị cắt giảm thời gian làm thêm, tăng ca. Cạn kiệt nguồn tài chính, nguồn tích lũy là tình trạng chung của người lao động phổ thông hiện nay. Ghi nhận từ đầu năm, để phần nào tháo gỡ khó khăn cho người lao động, đồng thời cũng để giữ chân nguồn nhân sự, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ.

Nỗ lực hỗ trợ người lao động sau đại dịch

3 triệu đồng là một phần lương anh Đoàn Vũ Long (công nhân may tỉnh Thái Bình) được nhận trước chỉ qua vài thao tác trên điện thoại di động. Thay vì phải chờ đến ngày 15 hàng tháng, từ năm nay, doanh nghiệp anh đang làm sẽ linh hoạt chi trả trước một phần thu nhập nếu người lao động có nhu cầu.

Với anh Long, đây là phúc lợi tài chính quan trọng, đặc biệt là bối cảnh sau dịch khi khoản tiền tích luỹ của gia đình đã cạn.

Nhiều khoản hỗ trợ ngoài lương cũng được điều chỉnh tăng. Điều này giúp chị Nguyễn Thị Hoài Thu (công nhân may tỉnh Thái Bình) cũng như nhiều công nhân khác có động lực hơn trong công việc, khi gánh nặng kinh tế gia đình phần nào được giảm bớt.

Người lao động nỗ lực vượt khó, lạc quan sau đại dịch - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Dân trí.

Với hơn 500 lao động đang làm việc cùng nhu cầu tuyển dụng lớn trong thời gian tới, dù còn nhiều khó khăn nhưng Công ty TNHH Newstars cũng nhận định nỗ lực tìm giải pháp, ứng dụng công nghệ hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, đặc biệt là tài chính là việc cần thiết. Đây là tiền đề cho sự khôi phục hoạt động sau dịch.

Ông Vũ Việt Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Newstars - cho biết: "Việc trả lương 2 lần 1 tháng cũng đem lại rủi ro vì có những bạn không làm việc hết tháng nhưng vẫn ứng lương, rồi nghỉ giữa chừng thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hiện chúng tôi có bên thứ 3 đảm bảo về tài chính, hợp đồng ràng buộc với người lao động. Người lao động được nhận lương 2 lần họ rất vui, tôi nghĩ sẽ gia tăng năng suất".

Thu nhập ổn định, người lao động mới yên tâm sản xuất. Đáng nói, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Để thu hút được lao động, chế độ lương và các khoản hỗ trợ, phúc lợi xã hội, tài chính..., các doanh nghiệp cần chủ động tìm giải pháp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước