Nhiều ngư dân lâm nợ vì tàu 67

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/03/2022 06:46 GMT+7

VTV.vn - Tại tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 80% tàu cá đóng theo Nghị định số 67 đang hoạt động kém hiệu quả.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được thực hiện đã tạo điều kiện giúp ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn để khai thác xa bờ. Tuy nhiên lại có tình trạng nhiều tàu cá hoạt động không hiệu quả, ngư dân mất khả năng trả nợ, nguy cơ trắng tay.

4 năm trước, ông Phạm Trí Thức (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) đã dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm để đóng tàu vỏ sắt 800CV theo Nghị định 67 nhưng tàu hoạt động không hiệu quả. Con tàu bị đưa ra bán đấu giá. Còn ông Thức, với khoản nợ hơn 15 tỷ, ông đứng trước nguy cơ mất luôn nhà cửa do đã thế chấp ngân hàng.

''Hoạt động trên tàu, thao tác mới mẻ. Một số anh em không thích đi tàu vỏ thép vì làm cái gì cũng nặng nề mà lương thì thấp nên nghề mới làm khó cho việc đi biển, dẫn đến hiệu quả thấp, do vậy mà trả nợ không được'', ông Thức cho biết.

Nhiều ngư dân lâm nợ vì tàu 67 - Ảnh 1.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 62 tàu cá đóng theo Nghị định 67. Khoảng 80% tàu cá đánh bắt không hiệu quả. Nguyên nhân được cho là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt trong khi giá nhiên liệu ở mức cao. Còn thị trường thủy sản trong 2 năm qua lại khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Ngư dân đi biển rất khó khăn do dịch bệnh do đó phải tạo điều kiện giãn nợ cho ngư dân để vươn khơi bám biển. Chứ tình hình như vậy không thể nào trả nổi cho ngân hàng'', bà Trần Thị Phường, người dân thôn An Vĩnh, Lý Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi: "Tỉnh đã kiến Bộ Nông nghiệp tham mưu cho Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro, hỗ trợ ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay đóng mới theo Nghị định 67 để xử lý dứt điểm các tàu không hiệu quả''.

Chủ trương đóng mới, cải hoán tàu cá nhằm hiện đại hoá đội tàu vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vấn đề còn lại là làm thế nào để có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, để chính sách có thể đi vào cuộc sống và nghề biển có thể phát triển bền vững.

Tình trạng tàu cá nằm bờ đang diễn ra ở hầu khắp các tỉnh ven biển. Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại chia sẻ những khó khăn với ngư dân, mở rộng, khoanh nợ, giãn nợ cho tất cả các chủ tàu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về 7 nhóm đối tượng được hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ do nguyên nhân khách quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết việc giảm số lượng tàu cá là nằm trong lộ trình thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2030 là giảm tỷ lệ khai thác và tăng tỷ lệ nuôi trồng. Tính chung cả năm 2021, tổng số tàu khai thác thủy sản trên cả nước đã giảm khoảng 3%. Tuy nhiên, để ổn định đời sống cho ngư dân thì song song với việc giảm số tàu cá là việc phải thúc đẩy các chính sách để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước