Phải báo trước 6 tiếng cho người dân vùng hạ du trước khi xả lũ

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 03/06/2022 18:23 GMT+7

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022 ngày 3-6. Ảnh: Ngọc Hà

VTV.vn - Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh điều này tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022 của BCĐ quốc gia về PCTT ngày 3/6.

Tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ngày 3/6 ở Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài khẳng định, hệ thống của các cơ quan phòng, chống thiên tai, dự báo, các cơ quan nghiên cứu và nhất là các chủ hồ đã rất tích cực và chủ động trong việc ứng phó, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn, thông tin... cho chính quyền và người dân đối với công tác xả lũ với mục tiêu quan trọng là đảm bảo tính mạng và tài sản của Nhà nước và người dân

"Cách đây gần 1 tháng, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành công văn gửi các địa phương về việc sẵn sàng dọn dẹp lòng hồ và hạ du để chuẩn bị cho việc xả lũ; sau đó, Ban Chỉ đạo ban hành Công điện nhấn mạnh: trước khi vận hành xả lũ theo quy trình phải thông báo trước 6 tiếng. Như vậy, các chủ hồ đã phối kết hợp với chính quyền địa phương để thông báo cho người dân sơ tán khỏi những nơi có nguy cơ cao, rủi ro có thể xảy ra khi xả lũ", Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt các công tác về ứng phó thiên tai thời gian tới, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đề nghị các cơ quan liên quan bám sát vào định lượng mưa, diễn biến thực tế của mưa lũ và các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để chỉ đạo, điều hành việc xả lũ đúng quy định, an toàn cho người và tài sản của nhân dân tại hạ du.

Tổng cục phòng, chống thiên tai xây dựng group trên hệ thống Zalo để cung cấp các thông tin về khí tượng thủy văn nói chung và mưa lũ nói riêng cho các đơn vị liên quan, đồng thời đề nghị các cơ quan: Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các chủ hồ chứa... cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, phần mềm tính toán về mưa, lũ, lượng nước... hiện đang khai thác sử dụng để Tổng cục phòng chống thiên tai tổng hợp, tích hợp và đưa những thông tin này vào group Zalo trong đầu tuần tới.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về số liệu mưa, mực nước của các trạm chính thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, tình hình thời tiết, xu thế dòng chảy...kịp thời cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc đảm bảo an toàn các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng và thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về về phòng, chống thiên tai; tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn đập, nhất là an toàn đối với công trình điều tiết và các trang thiết bị phục vụ vận hành xả lũ, phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn và gửi báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo theo quy định.

Giám đốc các Công ty thủy điện thực hiện vận hành hồ chứa theo quy định của Quy trình; báo cáo cho Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan theo quy định về số liệu của tất cả các lần quan trắc đo đạc trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ; xây dựng, rà soát các phương án bảo vệ đập trong các tình huống khẩn; rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi,…), đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.

Cục cứu hộ cứu nạn chỉ đạo các lực lượng vũ trang trên địa bàn rà soát các phương án cứu hộ, cứu nạn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, khắc phục hậu quả khi có tình huống mưa lũ phức tạp, đặc biệt là khi các hồ chứa xả lũ khẩn cấp làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, công trình, người dân phía hạ du.

Phải báo trước 6 tiếng cho người dân vùng hạ du trước khi xả lũ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các đơn vị Tư vấn tính toán vận hành liên hồ chứa cập nhật các mô hình tính toán cho phù hợp với hiện trạng, diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ, máy móc, trang thiết đảm bảo việc kịp thời tham mưu cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo; xây dựng các kịch bản mưa lũ lớn, chủ động tính toán, tham mưu hỗ trợ phương án vận hành để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực tiếp làm việc với Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố có hồ để rà soát lại các thiết bị quan trắc phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành xả lũ nói riêng cũng như công tác phòng chống thiên tai nói chung.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, Tập đoàn đã chủ động kiểm tra đối với các chủ hồ và công tác vận hành hồ, tới thời điểm này các hoạt động liên quan đến hồ thuỷ điện đã đảm bảo an toàn đối với mùa mưa lũ năm 2022. Công tác phòng chống thiên tai cũng đã được Tập đoàn chỉ đạo rà soát, đặc biệt là công tác phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương.

"Hiện nước trên hệ thống sông Đà về nhiều nên phần lớn các Nhà máy thuỷ điện nằm trên hệ thống sông này chạy tối đa công suất (24/24 giờ). Tập đoàn căn cứ vào các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết của cơ quan chức năng và tình hình thực tế để chỉ đạo điều hành các nhà máy thuỷ điện, đồng thời kiến nghị cho phép giữ mức nước linh hoạt", ông Hải mong muốn.

Theo ông Vũ Văn Tinh, Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang, số lượng quan trắc được thì tổng lượng nước về hồ trong tháng 5/2022 là gần 2 tỷ m3, đặc biệt là từ ngày 23-31/5/2022, tổng lượng nước về hồ là gần 3 tỷ m3. Đây đang là gia đoạn chuyển từ mùa cạn sang mùa lũ, với lượng mưa những ngày qua nếu không xả lũ thì nước sẽ dâng cao hơn so với mức dâng bình thường. Từ tình hình trên, Công ty đã báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để ban hành Công điện 03/CĐ-QG , ngày 1/6/2022 về việc mở 2 cửa xả Thuỷ điện Tuyên Quang vào 17 giờ 30 phút ngày 1/6 và 7 giờ ngày 2/6.

Trước tình hình nước về hồ lớn, công ty đã thông báo cho địa phương để có các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Trong quá trình xả lũ đến thời điểm này chưa có vấn để gì xảy ra. Công ty sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lượng nước về hồ, lượng nước xả, báo cáo Ban Chỉ đạo để chỉ đạo điều hành.

Hiện nay, mực nước hồ chứa Tuyên Quang và Sơn La đang cao hơn so với mực nước cao nhất trước lũ cho phép trong thời kỳ lũ sớm (15/6-19/7); mực nước hồ Hòa Bình đang lên, đến 22 giờ ngày 2/6 mực nước đã vượt mức nước cho phép trước lũ, nên phải sẵn sàng phương án điều tiết xả lũ về hạ du.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước