Phận đời “khom lưng” giữa lòng phố cổ Hà Nội

Minh Toàn-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 22:11 GMT+7

VTV.vn - Sống tại khu vực "đắc địa" ngay giữa trung tâm TP Hà Nội, nhưng ông Chu Văn Cao (phố Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn ngày ngày "luồn cúi" trong mái ẩm chỉ vẻn vẹn 2,5m2.

Căn nhà không thể đứng thẳng

Nằm ở khu vực "đất vàng" của thành phố Hà Nội, ông Chu Văn Cao (1947, số 63 Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ sở hữu của căn nhà có diện tích 2,5m2. "Mái ấm" của ông Cao có chiều dài 2,5m, chiều rộng 1m và cao 1,4m. Kích thước như vậy là không đủ để một người trưởng thành có thể đứng thẳng và đi lại thoải mái. Nhưng đây lại là căn nhà mà ông Cao gắn bó trong hơn 30 năm qua.

Phận đời “khom lưng” giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Căn hộ 2,5m2 nằm “lọt thỏm” trong con ngõ sâu hun hút trên phố Thuốc Bắc (Ảnh: Minh Toàn).

Căn nhà nằm trong con ngõ sâu hun hút, phía sau dãy nhà mặt đường sầm uất khu phố cổ. Theo ông Cao, ban đầu "căn nhà" này vốn là gác xép của nhà cũ. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, ông Cao phải bán đi tầng 1 và cùng con trai chuyển lên gác xép để sống từ những năm 1992. Từ đó tới nay, căn nhà là nơi sinh hoạt của 2 bố con ông Cao.

Phận đời “khom lưng” giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Đây vốn là gác xép cũ của ông Cao nên nằm ở tầng 2 và có diện tích chỉ 2.5m2 (Ảnh: Minh Toàn).

Nền nhà là một tấm gỗ ép đã được cắt gọt sao cho phù hợp với diện tích của căn nhà. Không gian xung quanh được ông Cao tận dụng để sắp xếp những đồ dùng cá nhân như sách, báo, quần áo… Mọi thứ được ông Cao sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, để tiết kiệm diện tích nhất có thể.

Nguồn sáng duy nhất của căn nhà đến từ chiếc đèn học đã cũ của ông Cao. Đó là công cụ hỗ trợ ông Cao đọc báo, đọc sách mỗi ngày. Phòng tắm nằm ở một khu khác riêng biệt. Nhà vệ sinh là nhà vệ sinh chung của xóm. Riêng khu vực phơi quần áo, ông Cao phải phơi nhờ trên sân của một gia đình khác trong ngõ chứ diện tích mà ông có không đủ để có thể phơi đồ. Và không hề có bếp nấu ăn.

Ông Cao cho biết: "Nhà tôi dùng nhà vệ sinh chung của ngõ. Còn việc nấu nướng thì từ khi còn trẻ, hay phải đi công tác tôi đã quen ăn hàng, bà nhà tôi cũng vậy, các con cũng thế…Bây giờ sống ở đây thì mùa đông ăn luôn ở ngoài hàng, mùa hè ngoài đấy đông đúc, chen chúc nên mang về nhà ăn…".

Căn nhà "hộp diêm" trở nên ngột ngạt hơn mỗi đợt nóng cao điểm. Mùa nóng căn nhà trở nên ngột ngạt, bức bối đến khó chịu. Ông Cao nói: "Bạn bè hay người thân gì đến chơi chỉ nói 1, 2 câu là đi ra ngoài nói chuyện bởi trong này bức bối, khó chịu, họ không chịu được…". Chiếc quạt nhỏ là "cứu cánh" duy nhất của gia đình ông Cao trong mỗi mùa nóng.

Với 2,5m2 diện tích, 2 bố con ông Cao chỉ có thể nằm nghiêng khi ngủ. Căn phòng thậm chí không đủ không gian để có thể đi lại thoải mái. Để di chuyển trong căn phòng phải chú ý khom lưng, luồn cúi để tránh không chạm vào trần nhà hoặc những bờ tường xung quanh.

"Tôi thấy đủ…"

Với bản thân ông Cao, 2,5m2 này trước đây chỉ là kho để đồ nhưng ông luôn cố gắng sắp xếp ngăn nắp mỗi khi có dịp đi công tác về. Ông Cao nói: "Từ lúc còn nhà ở dưới tầng 1 dưới kia, tôi vẫn thường xuyên lên gác xép, sắp xếp lại kho đồ cho gọn gàng, ngăn nắp. Hơn nữa để kho có hơi người cho mối, mọt không sinh sôi nảy nở…".

Phận đời “khom lưng” giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Mọi đồ đạc trong nhà đều được ông Cao sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp để có thể tối ưu diện tích sinh hoạt (Ảnh: Minh Toàn).

Vì lý do đó mà chỉ hơn 1 tuần sau khi phải chuyển lên gác xép sống ông Cao đã quen với môi trường sống mới, chật hẹp và bí bách hơn rất nhiều. Ông Cao cho biết, do thường xuyên lên dọn dẹp nên cũng không quá xa lạ với căn buồng và vì vậy mà cũng thích nghi nhanh hơn.

Xác định được việc bản thân sống trong môi trường này rất dễ có thể mắc bệnh nên ông Cao luôn chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. "Xác định được việc sống ở đây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi luôn cố gắng tập thể dục mỗi ngày. Ngày trước thì chạy 3, 4 vòng hồ rồi về, bây giờ già rồi thì đi bộ…", ông Cao cho hay.

Điều đó giải thích tại sao, ông Cao dù đã 76 tuổi nhưng vẫn còn rất khoẻ mạnh. Người đàn ông này chưa từng phải sử dụng bất kỳ một viên thuốc nào và không phải chủ động đến tìm bác sĩ về vấn đề sức khỏe.

Không chỉ sức khỏe thể chất mà ông Cao vẫn ngày ngày đọc sách, cập nhật tin tức qua báo giấy. Ông Cao cho biết, ông đã đọc sách, đọc báo cùng với bố của ông từ khi còn rất nhỏ. Cho đến tận bây giờ, điều đó đã trở thành thói quen của ông và trong điều kiện sinh hoạt như vậy, sách, báo vô tình đã trở thành những tài sản quý giá nhất của ông.

Phận đời “khom lưng” giữa lòng phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Ông Cao vẫn duy trì hoạt động đọc sách báo như một để cập nhật tin tức và phục vụ cho đời sống tinh thần mỗi ngày (Ảnh: Minh Toàn).

Ông Cao luôn giữ được tinh thần lạc quan, dù cho cuộc sống có phần "đặc biệt" so với hầu hết mọi người. Ông Cao nói: "Người ngoài thì có thể thấy bí bách, chật hẹp nhưng tôi thì quen rồi không thấy nóng bức hay chật chội gì cả. Cuộc sống của tôi bây giờ thì không gọi là hạnh phúc được, nhưng tôi thấy thỏa mãn với những gì tôi có, tôi cảm thấy đủ cho cuộc sống sinh hoạt của tôi…".

Năm 2007 – 2008, ông Cao đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để có thể chuyển tới một căn hộ rộng rãi hơn. Nhưng ông Cao đã từ chối: "Tôi già rồi. Tôi chỉ ở đây thôi…". Ông Cao cho rằng căn nhà dù nhỏ nhưng xung quanh còn có những người hàng xóm, những người quen thân. Đó mới là giá trị cuộc sống mà ông Cao luôn hướng đến.

Cho đến nay, căn nhà của ông Cao là một trong những căn nhà "đặc biệt" nhất tại phố cổ. Không vì đẹp, vì sang mà bởi hẹp. Căn nhà hẹp đến mức đồ đạc để trong nhà cũng cần được lựa chọn là đồ hay dùng thì mới để. Những món đồ khác được ông Cao đóng thùng cẩn thận, gửi nhờ ở nhà bà con hàng xóm thân quen.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước