Sỏi thận có nguy hiểm không?

P.V-Thứ năm, ngày 13/10/2022 08:00 GMT+7

Hình minh họa.

VTV.vn - Sỏi thận chiếm khoảng 30% các bệnh lý về đường tiết niệu, là căn bệnh phổ biến độ tuổi 30 - 60, đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng.

Sỏi là các khối tinh thể rắn hình thành do các chất khoáng và muối, cặn bã trong nước tiểu lắng đọng lại tạo thành. Khi nước tiểu chứa nhiều chất tạo tinh thể, chẳng hạn như canxi, oxalat và axit uric, nhiều hơn là chất lỏng trong nước tiểu. Bên cạnh đó, trong môi trường nước tiểu của bạn có thể thiếu chất ngăn cản các tinh thể kết dính với nhau, tạo môi trường lý tưởng cho sỏi thận hình thành.

Sỏi thận có diễn tiến âm thầm, nhiều người mắc bệnh sỏi thận có thể không nhận ra cho tới khi bệnh nặng đau đớn hay đi khám tổng quát, làm xét nghiệm khác liên quan mới phát hiện. Những dấu hiệu để nhận mắc sỏi thận là: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu rắt, tiểu són. Có thể người bệnh sẽ tiểu ra máu hoặc có nước tiểu màu hồng, hoặc cặn trắng. Khi có tình trạng tắc nghẽn thường có cơn đau lưng quằn quại, ở dưới bụng, bên hông mạn sườn. Có thể đi kèm là cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói, sốt và ớn lạnh.

Sỏi thận chính là nguyên nhân dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nếu không phát hiện đến một giai đoạn nào đó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sỏi thận xuất hiện ở bể thận và đài thận, trôi xuống niệu đạo, niệu quản gây tắc nghẽn đường tiết niệu gây ứ đọng tại thận, gây ra hiện tượng són tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt. Tắc nghẽn đường niệu kéo dài có thể gây suy thận không thể hồi phục nếu không được điều trị

Sỏi thận có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, có những viên từ 5mm - 20m, nên khi sỏi di chuyển sẽ gây ra cọ xát vào đường tiết niệu, có nguy cơ khiến niêm mạc phù nề, sưng viêm khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Sỏi thận không phát hiện và điều trị sớm thì đến giai đoạn nhiễm trùng, việc điều trị sẽ khó khăn phức tạp hơn. Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi lâu dần không điều trị sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở các đài thận, bể thận, niệu quản. Nếu nhiễm khuẩn bể thận nặng sẽ gây cơn viêm bể thận cấp. Triệu chứng viêm bể thận cấp xảy ra đột ngột và nguy cấp như sốt cao, đau hông dữ dội, đái ra mủ… Ứ mủ là một cấp cứu nội khoa nặng, có thể hủy hoại nhanh nhu mô thận.

Sỏi ở đài thận có thể gây ứ nước một phần thận, còn sỏi ở niệu quản gây ứ nước toàn thận và niệu quản. Nếu ứ nước trong thời gian dài thận sẽ bị giãn rộng, nếu kéo dài quá 6 tuần thì nhu mô thận khó có thể phục hồi, dù có phẫu thuật thận cũng không thể co về kích thước như bình thường. Nguy hiểm hơn, khi ứ nước, tắc nghẽn, sẽ làm tăng áp lực lọc, từ đó làm tăng prostaglandin gây co mạch thận, làm thận thiếu máu, nhiều ống thận sẽ bị teo và tủy thận bị hủy hoại.

Tùy vào kích thước của viên sỏi, nó có thể di chuyển được thoát ra ngoài dễ dàng hay mắc kẹt lại đường tiết niệu, niệu đạo, niệu quản. Quá trình sỏi di chuyển sẽ cọ xát, làm niêm mạc ống thận bị tổn thương, gây nhiễm khuẩn thận và đường tiết niệu. Nếu nhiễm khuẩn nặng ở mức độ cấp tính, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như suy thận cấp tính, nghĩa là sỏi tắc nghẽn hai bên niệu quản, gây ra tình trạng ứ nước, thận không thể lọc và đào thải nước, muối, chất khoáng độc hại ra ngoài, hai bên thận bế tắc cùng lúc, không có nước tiểu thoát ra, sẽ có thể dẫn đến tình trạng tử vong trong vài ngày nếu không điều trị kịp.

Điều trị sỏi thận phụ thuộc nhiều yếu tố như kích thước, số lượng, vị trí viên sỏi. Nếu sỏi thận nhỏ dưới 5mm thường sẽ uống nhiều nước để đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, hoặc các bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc giảm đau, kháng sinh nếu nhiễm trùng. Nếu kích thước viên sỏi lớn, không thể tự đào thải ra ngoài, nên đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp bằng nhiều phương pháp mổ nội soi hiện đại như:

+Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL).

+Nội soi lấy sỏi thận qua da.

+Nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng.

+Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm.

Những phương pháp "Nội soi tán sỏi, hiện đại - không đau - sạch sỏi" đang được các chuyên gia bác sĩ Tiết niệu - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng thường quy với sự hỗ trợ của những trang thiết bị nội soi 2D, 3D; màn hình 4K hiện đại nhất. Các thắc mắc, câu hỏi cần sự tư vấn sẽ được 3 chuyên gia hàng đầu trả lời trong chương trình Tư vấn trực tuyến: "NỘI SOI TÁN SỎI, hiện đại - không đau - sạch sỏi" vào lúc 20h Thứ 5 ngày 13/10/2022:

- TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu - TT Tiết niệu Thận học.

- BSNT.CKI Châu Minh Duy - Bác sĩ ngoại Tiết niệu - TT Tiết niệu Thận học.

- ThS.BS Nguyễn Tân Cương - Bác sĩ ngoại Tiết niệu - TT Tiết niệu Thận học.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng sau, nên đặt lịch hẹn khám ngay với bác sĩ: Đau đến mức không thể ngồi yên; Đau kèm theo buồn nôn và nôn; Đau kèm theo sốt và ớn lạnh; Tiểu ra máu; Khó đi tiểu… Bên cạnh đó, cần lưu ý một số vấn đề sau nếu bạn không muốn mình bị mắc hoặc tái phát lại sỏi thận:

Nếu trong gia đình bạn có ai từng sỏi thận, bạn cũng nhiều khả năng bị sỏi thận, nên tầm soát, khám định kỳ để kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe.

Không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Những người sống ở vùng khí hậu khô và những người đổ mồ hôi nhiều có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Chế độ ăn uống không khoa học, ăn giàu protein, natri (muối) và đường có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại sỏi thận. Quá nhiều muối trong chế độ ăn sẽ làm tăng lượng canxi mà thận phải lọc và làm tăng đáng kể nguy cơ bị sỏi thận.

Thừa cân, béo phì hay tăng cân liên tục có liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận.

Các bệnh tiêu hóa và phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể gây ra những thay đổi trong quá trình tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và nước, làm tăng lượng chất tạo sỏi trong nước tiểu.

Các tình trạng như nhiễm toan ống thận, cystin niệu, cường cận giáp hay nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Một số chất bổ sung và thuốc, chẳng hạn như vitamin C, viên sủi, thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng, thuốc kháng axit, và một số loại thuốc dùng để điều trị chứng đau nửa đầu hoặc trầm cảm, có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Hãy sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và đặc biệt thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe toàn diện nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước