Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh thủy đậu

P.V-Thứ sáu, ngày 17/03/2023 23:40 GMT+7

Các chuyên gia tại Chương trình Tư vấn trực tuyến "Nguy cơ bùng phát dịch Thủy đậu - Vắc xin phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em và người lớn", tối ngày 16/3. Ảnh: Nguyên An

VTV.vn - Bệnh thủy đậu gây nhiều biến chứng nguy hiểm trong khi tỷ lệ tiêm vaccine này ở người lớn chưa cao.

Đó là khuyến cáo của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm, TP. Hồ Chí Minh trong Chương trình Tư vấn trực tuyến "Nguy cơ bùng phát dịch Thủy đậu - Vaccine phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em và người lớn", tối 16/3. Chương trình cũng có sự góp mặt của các chuyên gia: BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; BS Phan Thị Thu Minh - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.

Theo BS Trương Hữu Khanh, hiện nay là thời điểm giao mùa, chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, do đó thời tiết trên cả nước có sự thay đổi thất thường, độ ẩm cao. Đây là những điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh, trong đó bệnh thủy đậu đang được ghi nhận "vào mùa" với các ổ dịch được ghi nhận ở nhiều địa phương.

Bệnh thủy đậu do virus varicella Zoster (VZV) gây nên, có thể gây ca bệnh rải rác trong năm tuy nhiên bùng phát mạnh khi thời điểm giao mùa, thường từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Theo quy luật tự nhiên, cứ khoảng 3-5 năm virus thủy đậu sẽ gây dịch lớn một lần, nếu cộng đồng chưa tiêm vaccine đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng thấp càng gây nguy hiểm cho nhóm cộng đồng có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mạn tính.

Thời gian vừa qua, tại nhiều bệnh viện nhi lớn trên cả nước ghi nhận lượng trẻ em đến khám và nhập viện do thủy đậu tăng cao. Các chuyên gia nhấn mạnh, thủy đậu không chỉ gây bệnh ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng mắc bệnh, người lớn mắc thủy đậu còn nặng và khó điều trị hơn trẻ nhỏ.

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh thủy đậu - Ảnh 1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo vaccine là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa thủy đậu cho cả trẻ em và người lớn. Ảnh: Nguyên An

BS Phan Thị Thu Minh - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho hay, bệnh thủy đậu thường gây các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn… Trong vòng 2-3 ngày đầu, người bệnh có thể nổi các nốt sảy sau đó là phỏng nước ở rất nhiều vị trí, đặc biệt ở da đầu, tay chân. Các nốt phỏng nước lúc đầu thường trong, bên ngoài viền đỏ, đặc điểm đa dạng, kích thước thường giống nhau. Sau vài ngày vỡ ra xuất hiện vảy nâu đỏ, và có thể nổi những mụn nước mới. Khoảng 3-5 ngày người bệnh không nổi thêm nốt phỏng nước nào thêm.

Thủy đậu rất ít khi gặp ở lòng bàn tay, bàn chân cho nên không quá khó khăn khi phân biệt với các bệnh truyền nhiễm khác. Ví dụ như bệnh tay chân miệng, các nốt bọng nước nổi rất nhiều trong lòng bàn tay, bàn chân. Tổn thương tay chân miệng đa dạng vừa có phát ban vừa có bọng nước, không như thủy đậu ở tổn thương nào cũng nổi các bọng nước lên. Nếu phân biệt với sởi thì cũng không quá khó khăn vì sởi không có bọng nước.

Thông thường bệnh thủy đậu gây tổn thương da, để lại vết lõm thường biến mất không để lại sẹo, tuy nhiên nếu người bệnh thủy đậu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng, bội nhiễm gây tổn thương sâu trong da, để lại sẹo xấu mất thẩm mỹ. Nghiêm trọng hơn, việc bội nhiễm có thể gây nhiễm trùng huyết, hoại tử hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác khi mắc thủy đậu như viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm não, tổn thương gan, hội chứng Reye tổn thương cấp tính ở gan và não, hoặc viêm tủy, viêm gan…

Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, người có bệnh lý nền hoặc suy giảm miễn dịch là những đối tượng nguy cơ rất cao gặp phải các biến chứng nặng khi mắc thủy đậu.

Phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ tăng nguy cơ cao sẩy thai, dị tật thai như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, nhẹ cân, chậm phát triển. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong những ngày cận kề sinh nở hoặc sau sinh tăng nguy cơ lây bệnh cho trẻ với bệnh cảnh nặng như mụn nước nổi nhiều dễ biến chứng viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm não…

Nhiều trường hợp dù đã điều trị khỏi bệnh thủy đậu nhưng virus thủy đậu vẫn "ngủ đông" (tồn tại dưới dạng bất hoạt) trong các hạch thần kinh. Khi sức đề kháng cơ thể kém, virus tái hoạt động gây bệnh Zona thần kinh (bệnh giời leo).

BS Thu Minh khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường kéo dài từ 5 - 7 ngày. Cách chăm sóc người bệnh thủy đậu tốt nhất là nên cắt móng tay của người bệnh để tránh trường hợp gãi vỡ nốt bọng nước, trầy xước gây nhiễm trùng, bội nhiễm. Người bệnh thủy đậu nên tắm rửa bình thường, chăm sóc vết bọng nước, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt cao không hạ, nổi quá nhiều bọng nước khiến bé đau phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Trẻ được điều trị thủy đậu tại nhà cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, những trường hợp sau cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện: trẻ ho nhiều, khó thở, yếu liệt tay chân, thay đổi tri giác…

Trước băn khoăn của nhiều khán giả rằng bệnh thủy đậu có thể gây gánh nặng lớn ở cả trẻ em và người lớn, nguy cơ bùng phát thành dịch trong cộng đồng luôn hiện hữu, vậy trong tương lai có thể thanh toán được thủy đậu giống như đã thanh toán bệnh đậu mùa không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: "Ở các nước tiên tiến, nền kinh tế phát triển rất chú trọng đến tỉ lệ bao phủ vaccine và cơ bản đã có độ phủ vaccine tương đối cao. Tại Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung, độ phủ vaccine thủy đậu còn rất thấp, khó có thể thanh toán bệnh. Hiện nay vaccine thủy đậu chủ yếu đang được tiêm chủng dịch vụ. Biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng là chủ động tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt".

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh thủy đậu - Ảnh 2.

Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh vaccine thủy đậu đã có thể tiêm phòng cho trẻ từ 9 tháng tuổi, giúp trẻ được phòng bệnh hiệu quả, giảm các gánh nặng bệnh tật, biến chứng và di chứng lâu dài do thủy đậu. Ảnh: Nguyên An

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, hiện nay tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đang triển khai tiêm chủng đầy đủ 3 loại vaccine loại phòng bệnh thủy đậu dành cho trẻ em và người lớn, trong đó vaccine thủy đậu thế hệ mới Varilrix (Bỉ) tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Bỉ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.

"Vaccine phòng thủy đậu có thể tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và người lớn. Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC với 103 trung tâm trên cả nước có đầy đủ vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine giúp phòng bệnh hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật, tránh biến chứng nguy hiểm như zona thần kinh, viêm phổi, viêm não…

VNVC hiện đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi giá, chính sách hỗ trợ tài chính mong đợi làm sao để tất cả trẻ em và người lớn có thể chủ động tiêm ngừa vaccine thủy đậu đầy đủ để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn" - bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước