Vaccine cho các cặp đôi trước khi cưới

P.V-Thứ sáu, ngày 27/10/2023 08:00 GMT+7

Nam giới tiêm ngừa HPV trước khi kết hôn tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

VTV.vn - Tiêm vaccine trước mùa cưới là cách bảo vệ bản thân, tránh lây bệnh cho bạn đời ở cả hai giới và chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh cho nữ giới.

Chuẩn bị mùa cưới cuối năm, các Trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước đồng loạt ghi nhận nhiều cặp đôi đến tiêm các loại vaccine phòng nhiều bệnh lây qua đường tình dục và đăng ký các gói vaccine trước mang thai.

Giữa tháng 10, vợ chồng chị Trần Anh Thư (33 tuổi) cùng đến tiêm vaccine viêm gan B và vaccine HPV mũi 2 tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP. Hồ Chí Minh). Chị Thư cho biết muốn chuẩn bị thật tốt cho thai kỳ nên trước khi cưới, chị đăng ký gói vaccine tiền hôn nhân cho cả hai vợ chồng. Gói tiêm gồm 8 loại vaccine với phác đồ kéo dài trong 6 tháng phòng các bệnh: thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván, các bệnh do phế cầu, các bệnh do não mô cầu, HPV, cúm và viêm gan A, B. "Mình cũng bước qua tuổi 30, nhiều nguy cơ trong thai kỳ hơn nên mình đến tiêm vaccine, mong có một kỳ thai thuận lợi", chị Thư cho biết.

Ngồi chờ theo dõi sau tiêm cùng vợ tương lai, anh Nguyễn Đăng Khoa (28 tuổi) cho biết vừa qua, trong đợt khám sức khỏe tổng quát do công ty tổ chức, anh phát hiện nhiễm viêm gan B. Trước đây, anh cũng ít quan tâm đến các loại vaccine phòng bệnh vì nghĩ chỉ trẻ em mới cần tiêm. Từ khi bị bệnh, anh bắt đầu tìm hiểu và thấy tầm quan trọng của vaccine phòng bệnh nên đến trung tâm tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng. "May là vợ kiểm tra chưa nhiễm viêm gan B nên vẫn còn kịp tiêm loại vaccine này. Chúng tôi dự định sẽ có con ngay sau khi cưới nên có nhiều thứ phải lo lắng, chuẩn bị sức khỏe thật tốt sẽ yên tâm hơn phần nào", anh Khoa chia sẻ.

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết tiêm phòng trước khi kết hôn không chỉ là cách các cặp đôi vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân và bạn đời mà còn là sự chuẩn bị cho sức khỏe thai sản của người mẹ.

Hiện có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Như bệnh quai bị, khoảng 20-30% nam giới mắc quai bị sau tuổi dậy thì sẽ bị viêm tinh hoàn, khiến lượng tinh trùng giảm, nguy cơ vô sinh. Ở nữ giới sau tuổi dậy thì, 1/15 người mắc quai bị có khả năng dẫn đến viêm buồng trứng, ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ.

Vaccine còn hạn chế các bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường tình dục giữa các cặp đôi như các bệnh do HPV gây ra và viêm gan B. Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ra mụn cóc sinh dục và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo ở nữ; ung thư dương vật ở nam; ung thư hậu môn, ung thư vòm họng ở cả hai giới. Virus HPV lây truyền qua quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và từ tiếp xúc với vật dụng có chất tiết sinh dục của người nhiễm bệnh. Khoảng 80% người nhiễm HPV không biết mình lây nhiễm từ khi nào và do đâu.

Với bệnh viêm gan B, Việt Nam hiện nằm trong vùng lưu hành của virus này với tỷ lệ nhiễm bệnh lên đến 5%-20% dân số, tương đương khoảng 10 -14 triệu người mắc bệnh. Bệnh nguy hiểm khi có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan rất cao.

Viêm gan B còn lây qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Mẹ mắc viêm gan B khi mang thai có thể truyền bệnh sang con trong quá trình sinh nở. Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi B cấp sẽ lây truyền cho thai nhi, khiến trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc viêm gan mạn tính.

Chưa kể, khi mang thai, khả năng miễn dịch của người mẹ sẽ suy yếu một cách tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh truyền nhiễm tấn công. Nếu như người khỏe mạnh mắc cúm có thể tự khỏi sau 4-7 ngày thì mẹ bầu mắc cúm có tỷ lệ nhập viện cao hơn 2,4 lần. Thai phụ mắc cúm, thủy đậu, quai bị, rubella trong thai kỳ còn có nguy cơ cao gây dị tật thai nhi hoặc dẫn đến sảy thai.

Theo bác sĩ Phong, cơ thể cần thời gian để sinh kháng thể bảo vệ sau khi tiêm vaccine. Phác đồ của một số loại vaccine tiêm nhiều mũi có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm. Các cặp đôi chủ động nên sắp xếp thời gian hợp lý để tiêm vaccine phòng bệnh, chẳng hạn giai đoạn chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi mang thai.

Việc tiêm chủng cần thực hiện ở cả người vợ và chồng vì khả năng lây nhiễm cho nhau. Đặc biệt là trong quá trình mang thai, chồng là người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc thai phụ, do đó có thể là nguồn lây bệnh chính cho vợ.

BS Phong gợi ý các cặp đôi trước cưới nên tiêm các vaccine phòng các bệnh: thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván, các bệnh do phế cầu, các bệnh do não mô cầu, HPV, cúm, viêm não Nhật Bản và viêm gan A, B…

Bác sĩ Phong cũng lưu ý, các cặp đôi cần nắm một số loại vaccine cần hoàn thành phác đồ trước khi mang thai. Ví dụ vaccine ngừa thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cần hoàn thành phác đồ trước khi mang thai 3 tháng; vaccine HPV cần hoàn thành trước mang thai 1 tháng; vaccine ngừa các bệnh do phế cầu, viêm gan B cần hoàn thành trước khi mang thai.

Để cập nhật các thông tin khoa học mới nhất về các loại vaccine cho các cặp đôi, vào 20h thứ 6, ngày 27/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: Mùa cưới - Tiêm vaccine tiền hôn nhân và vaccine cho phụ nữ mang thai.

Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; ThS.BS. Ngô Thị Bình Lụa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện ĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; BS. Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước