Đinh Tiến Dũng: Phải “sống” trước rồi mới “đam mê”!

Lê Hảo Quỳnh/ PRWeb.vn-Thứ bảy, ngày 02/11/2013 20:34 GMT+7

 “Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn!” – Thế nhưng, bạn sẽ sống bằng gì? Theo tôi, trước khi muốn theo đuổi đam mê, bạn cần làm việc để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình – Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Vào 19h ngày 1/11/2013, Đinh Tiến Dũng – nhân vật Giáo sư Xoay trong chương trình “Hỏi xoáy - Đáp xoay” đã có buổi trò chuyện thân mật và gần gũi với các bạn sinh viên trong talkshow “Đam mê liệu đã đủ?” diễn ra tại Đại học Phương Đông – Hà Nội.


Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của tổ chức Free Hugs Việt Nam, được tài trợ bởi Đoàn Thanh niên - Hội Sinh Viên trường Đại học Phương Đông; Học viện Anh ngữ Equest; cùng sự bảo trợ truyền thông của PRWeb - Mạng Truyền thông Việt Nam.

Ngay từ khi chương trình chưa bắt đầu, đã có rất đông các bạn trẻ tập trung trong hội trường, niềm vui và sự háo hức hiện rõ trên gương mặt mỗi người khi chờ được gặp Giáo sư Xoay nổi tiếng và lắng nghe những chia sẻ của anh về cuộc sống.

Đam mê được khơi dậy từ lần “trốn việc đi uống bia”

Đinh Tiến Dũng nổi tiếng với vai trò là người viết kịch bản cho chương trình “Gặp nhau cuối năm”, “Hỏi xoáy đáp xoay” cũng như MC của chương trình “Nhà sáng chế”.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, anh không xuất phát từ một người học viết kịch bản bài bản, mà lại tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp.

‘ Talkshow thu hút rất đông sự tham gia của các bạn trẻ.

Chia sẻ với các bạn trẻ, anh Dũng cho hay: Ngay từ khi còn là một học sinh cấp ba, anh đã có một niềm đam mê lớn đối với việc viết kịch bản. Vào đại học, sau “sự cố” đi hát văn nghệ và được nhận xét là "có khuôn mặt rất hợp để đóng kịch", Đinh Tiến Dũng được mời vào đội kịch của trường, anh càng có cơ hội thể hiện khả năng sáng tác kịch bản của mình.

Tốt nghiệp Đại học và bắt đầu bươn chải cuộc sống với công việc không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, thế nhưng cơ duyên gặp gỡ đạo diễn Đỗ Quang Hải trong một lần "trốn việc đi uống bia" - đã đưa anh trở thành người viết chính cho kịch bản “Gặp nhau cuối năm” trong suốt 7 năm qua.

Chia sẻ với các bạn trẻ trong talkshow “Đam mê liệu đã đủ?”, anh Dũng cho rằng: Đam mê lớn hơn sở thích. Sở thích thì dễ cả thèm chóng chán. Đam mê chính là những việc mà khi ta làm dù vất vả mệt mỏi vẫn thấy hạnh phúc.

Khi con người ta có nhiều đam mê, nếu bạn đủ sức thì đó là một điều tuyệt vời, nhưng khi cảm thấy còn có những hạn chế, rào cản thì nên lựa chọn những niềm đam mê chính để theo đuổi.

Những chia sẻ chân thành từ một người luôn theo đuổi và sống với đam mê như anh Đinh Tiến Dũng đã khích lệ, động viên các bạn trẻ rất nhiều.

Theo anh Dũng, người hạnh phúc nhất là người được sống với đam mê và đam mê đó đem lại tiền cho họ. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn kiếm được tiền từ chính đam mê.

Về việc tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp nhưng lại không đi theo ngành nghề này - Anh Dũng chia sẻ rất chân thành với các bạn sinh viên mặc dù những kiến thức học trong trường, cho đến ngày hôm nay anh vẫn ghi nhớ trong đầu, nhưng quan niệm, nếu làm mà không tốt thì sẽ trở thành kẻ phá hoại.

Lời chia sẻ của Đinh Tiến Dũng khiến cho không ít bạn trẻ ngồi trong hội trường tỏ ý băn khoăn khi nhìn lại tính phù hợp, niềm đam mê trong những công việc, ngành nghề mình đang theo đuổi?

Thành công từ “Định nghĩa lại thế giới qua góc nhìn trẻ con”

Hỏi vì sao lại có thể mang lại những thành công rực rỡ qua hình ảnh Giáo sư Xoay trong chương trình "Hỏi xoáy - Đáp xoay", anh Dũng tâm sự: “Tôi nghĩ thành công của nhân vật Giáo sư Xoay đến từ việc đây là một nhân vật mang hình hài của một người lớn nhưng lại có suy nghĩ của một đứa trẻ. Nhân vật này đã định nghĩa lại thế giới qua góc nhìn của trẻ con”. Vì thế, mọi đối tượng khán giả nhìn nhân nhân vật này theo cách: Trẻ con thì thấy giống nó còn người lớn thì thấy mới lạ.

Một lần nữa, Đinh Tiến Dũng chỉ ra cho các bạn trẻ rằng: Khi ta thích cái gì, đam mê cái gì, quyết tâm theo đuổi cái đam mê đó, thì chắc chắn, ta sẽ thành công...

Ngoài niềm đam mê viết kịch bản, Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, anh đam mê âm nhạc từ khi 5 tuổi nhưng gia đình lại cho đi học vẽ. Vì vậy, anh thường lén nhìn các bạn học nhạc cụ trong lớp nhạc. Khi lên đại học, anh đã tích tiền 2 tháng học bổng để mua được chiếc ghi ta đầu tiên. Với anh, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất.

Và cũng rất hóm hỉnh, Đinh Tiến Dũng cho rằng: "Đôi khi, lười không phải xấu, lười là một động lực của sáng tạo!”. Vì theo anh, khi con người lười, trí não của họ sẽ hoạt động nhiều hơn để tìm ra cách giải quyết công việc nhanh nhất, khoa học nhất.

Ông Mai Việt Dũng - đại diện PRWeb, Mạng Truyền thông Việt Nam chia sẻ cảm xúc khi tham dự buổi talkshow

Ngắn gọn, đơn giản và hài hước, song chính những câu chuyện rất đời thường đó của anh đã để lại nhiều ấn tượng và góp phần khích lệ, khơi gợi động lực của nhiều bạn trẻ, giúp các bạn vững tin và lạc quan hơn trong cuộc sống cũng như khi đưa ra những quyết định, lựa chọn quan trọng trong cuộc sống.

‘ Những trò chơi thú vị là cơ hội để các bạn trẻ giao lưu nhiều hơn với anh Đinh Tiến Dũng

Với những chia sẻ rất chân thành, buổi nói chuyện của Đinh Tiến Dũng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, đang lo lắng về tương lai cũng như cách theo đuổi đam mê của mình.







Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước