Bức điếu văn mang lời thề non nước

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/09/2022 21:10 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, viết điếu văn làm lễ truy điệu Bác trong nhà tù và sau đó tìm gửi lại cho Bảo tàng đầy thiêng liêng và xúc động.

"Không ai có thể ra lệnh và ngăn cấm tình cảm thiêng liêng của chúng tôi đối với lãnh tụ kính yêu…" Đó là lời đáp trả đanh thép của những chiến sĩ bị địch bắt và tù đày tại nhà lao Non Nước (Đà Nẵng). Ngày 6/9/1969, một lễ truy điệu bí mật đã được tổ chức ngay giữa lòng địch.

"Kính thưa hương hồn của Bác! Tin về như xé ruột! Đau đớn biết bao khi phải vĩnh biệt Bác trong hoàn cảnh tù đầy". Bức điếu văn này là kỷ vật duy nhất tìm lại được sau 24 năm bị chôn vùi dưới nền đất của nhà lao Non Nước. Từng câu, từng chữ như những thước phim quay chậm về lễ truy điệu bí mật và cuộc đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cộng sản trong 9 ngày công khai để tang Bác.

''Khi được tin Bác Hồ mất, các đồng chí đều rưng rưng nước mắt. Chúng tôi họp ngay với nhau lại, cương quyết để tang. Có chết cũng để tang cho Bác Hồ'' - cựu chiến binh Lê Tấn Nhật, cựu tù binh cách mạng tại nhà lao Non Nước, Đà Nẵng giai đoạn 1968-1970 nhớ lại.

Tham gia lễ truy điệu bí mật còn có cố nhà báo Bùi Á - phóng viên ảnh của Báo Nhân dân. Ông đã tường thuật chi tiết sự kiện đặc biệt ấy trong cuốn Hồi ký của mình.

"Anh em thay phiên nhau canh gác để chúng tôi ngồi viết bài điếu văn. Trưa ngày 6/9/1969, bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm được dựng lên. Khói trầm bốc lên! Bài điếu văn bắt đầu… Cả phòng nấc lên những tiếng khóc nức nở…".

"Trên ngực chúng tôi vẫn còn chiếc băng tang nguyên vẹn, như hình ảnh thương yêu của Bác luôn luôn bên cạnh chúng tôi, giúp chúng tôi vững vàng".

Trước khi tiếp tục bị đày ra nhà lao Phú Quốc sau đó, các tù nhân đã kịp chôn giấu bức điếu văn cùng lời thề nếu ai còn sống thì nhất định phải tìm lại kỷ vật thiêng liêng.

"Hai mươi năm sau, trở lại Đà Nẵng, tôi may mắn gặp được đồng chí Đặng Văn Lái… Theo chân đồng chí Lái băng qua một đám đất hoang, thấy lại dấu vết trại giam ngày trước''.

Cựu chiến binh Đặng Văn Lái cho biết: "Lúc đó tìm khó lắm vì cách đó 3 ngày, họ đào ra mìn nhiều lắm. Khi ông tìm không toại nguyện, hai bác cháu ứa nước mắt. Cho nên lúc nào tôi cũng để trong đầu là phải tìm sao cho bằng được vật kỷ niệm này. Đến năm 1993, xe múc dọn dẹp chỗ đó sạch sẽ. Tình cờ một buổi chiều, tôi đang ra biển thì ông xe múc vẫy tôi lại. Tôi coi thử thì đúng rồi, tài liệu của ông Bùi Á đây. Trời ơi, tôi mừng không có gì mừng bằng. Được cái tài liệu còn hơn được cục vàng''.

Do thất lạc địa chỉ của nhà báo Bùi Á, ông Đặng Văn Lái đã mất gần 20 năm để tìm lại được nhà báo Bùi Á và trao lại kỷ vật vào năm 2012.

''Khi chú Bùi Á cảm thấy mình bắt đầu yếu thì chú mới giao cho người con tài liệu và người con đem đến trao lại cho tôi, sau đó tôi gửi tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam'' - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.

Câu chuyện những chiến sĩ bị địch bắt tù đày viết điếu văn làm lễ truy điệu Bác trong nhà tù, sau đó tìm lại, gửi cho Bảo tàng, là cả một câu chuyện về truyền thống yêu nước, về một thời quả cảm, sắt son, tận hiếu tận trung với Nước, với Vị Cha già dân tộc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước