Phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân

Minh Hằng, Ngọc Thành-Thứ hai, ngày 14/08/2023 20:59 GMT+7

VTV.vn - "Chúng ta phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiến nghị.

Chiều nay (14/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Đây là chuyên đề giám sát có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên giám sát chuyên đề. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Các đại biểu đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội với nhiều tiêu chí cụ thể, hiện đại, tiệm cận với xu thế chung của thế giới là "lấy người học làm trung tâm". Tại phiên giám sát, chủ trương Bộ Giáo dục và Đạo tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội là nội dung nhận được nhiều ý kiến tranh luận và giải trình.

"Theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách), các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, đây là kết luận quan trọng của đoàn giám sát. Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục sửa Nghị quyết 88 thì phải báo cáo với Quốc hội" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

"Nghị quyết 88 cũng đã chỉ ra rất rõ là việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực, đặc biệt là phát huy sự tham gia của toàn xã hội trong vấn đề triển khai chương trình xây dựng sách giáo khoa là cần thiết, nhưng Nhà nước phải luôn luôn đóng vai trò chủ đạo và có trách nhiệm đến cùng, từ khâu xây dựng chương trình đến khâu thẩm định, tổ chức các hội đồng, đến khâu tổng kết, đánh giá việc triển khai các chương trình, các sách giáo khoa như Chủ tịch Quốc hội đã nói" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.

Phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Cũng tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, một số đại biểu kiến nghị về giảm giá thành sách giáo khoa, quan tâm bổ sung biên chế giáo viên, huy đồng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị triển khai chương trình mới.

"Việc cần phải làm ngay là nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và chúng ta phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay. Chúng ta thảo luận cao hay thấp thì thực tế chứng minh rồi, những vụ việc xảy ra người ta đã chứng minh rồi. Người dân còn đề nghị sách giáo khoa này phải là Nhà nước quản lý giá, nhưng còn phụ thuộc vào Luật Giá, cho nên sửa đổi chúng ta phải hướng tới vấn đề đó" - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.

"Giá sách giáo khoa thì theo quy định Luật Giá, Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, đến thời điểm hiện tại sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo Luật Giá mới có hiệu lực từ 1/7/2024, giá sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa, vì quy định như vậy nên các doanh nghiệp và nhà xuất bản tự quy định giá và trong thời gian vừa qua thì căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, hiện tại có 2 nhà xuất bản in sách giáo khoa là Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi có theo dõi thì tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian từ năm 2020 cho đến năm 2023, đến năm 2022 và 2023 thì tỷ lệ chiết khấu của cả hai nhà xuất bản này từ mức 21-22,5% chi phí" - ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục, phổ thông, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần đảm bảo các điều kiện cần thiết cho tiến trình này, nhất là điều kiện về con người.

Kết thúc phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và cho rằng cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần phải ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện báo cáo trước khi trình ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước