Chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh miếng dán có thể thải độc

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 14/12/2016 14:19 GMT+7

VTV.vn - Trên mạng Internet xuất hiện nhiều quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của miếng dán thải độc ở gan bàn chân, nhưng các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo.

Theo khảo sát của phóng viên Chuyển động 24h, chỉ cần lên mạng Internet có thể dễ dàng tìm mua miếng dán thải độc. Người bán hàng cho biết hầu hết miếng dán thải độc được nhập theo đường không chính ngạch, còn gọi là "hàng xách tay".

Chỉ cần dán vào gan bàn chân sau một đêm, miếng dán từ màu trắng hóa đen kịt, như lời giới thiệu "đó là chất cặn bã được hút ra khỏi cơ thể". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có công trình nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng thải được độc tố - chỉ bằng một miếng dán ở gan bàn chân.

Phóng viên Chuyển động 24h đã thử mua một gói gồm 10 miếng dán có bao bì ghi bằng tiếng Thái và tiếng Anh từ một đầu mối trên mạng xã hội Facebook. Một miếng dán gồm 2 phần: miếng đế có keo dính và một gói chứa hỗn hợp dạng bột bên trong. Cách sử dụng theo lời hướng dẫn của người bán rất đơn giản: đặt gói bột lên miếng đế rồi dán lên lòng bàn chân.

Trao đổi với bác sĩ, việc đổi màu và có dịch nhầy không phản ánh: chất độc được hút ra qua gan bàn chân. Ths. Bs. Nguyễn Duy Hưng - Viện Da liễu Trung ương cho biết: "Hiện khoa học chưa chứng minh việc dán qua gan bàn chân có thể hút được chất độc. Còn thành phân tôi thấy không hề có chức năng thải độc".

Chuyên gia trong lĩnh vực hoá học đã tiến hành bóc gói bột và cho biết, đây là hỗn hợp của các loại thực vật như ngô, tre xay nhuyễn. Tác dụng với nước thì ngay lập tức chuyển màu đen, biến thành dung dịch sệt.

PGS. TS. Phạm Gia Điền - Viện hoá học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá: "Chỉ mới dùng nước tác dụng vào cũng hóa ra màu đen thì mồ hôi từ cơ thể cũng hoàn toàn làm miếng dán này hóa đen. Đây không phải dấu hiệu để biết chất độc thải ra khỏi cơ thể. Nếu đúng là cơ chế thải độc thì miếng dán phải nhạt dần đi theo thời gian sử dụng".

Chỉ vì đặt niềm tin vào lời quảng cáo và biến đổi màu sắc của miếng dán, nhiều trường hợp sử dụng dài ngày đã phải nhập viện vì kích ứng da.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước