Cộng đồng nghệ thuật đấu tranh bảo vệ bản quyền

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 04/04/2023 10:51 GMT+7

VTV.vn - Nếu bản quyền những tác phẩm do AI tạo ra không thuộc về người dùng công cụ sáng tạo nội dung thì sẽ thuộc về ai?

Hiện tại, các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đang khai thác hàng tỷ tác phẩm gốc làm dữ liệu nền để tạo ra các tác phẩm phái sinh mà không cần sự cho phép của tác giả.

Từ việc kiện cáo tới áp dụng công nghệ để bảo vệ tác phẩm của mình khỏi hệ thống tự học của trí tuệ nhân tạo, cộng đồng nghệ sĩ đang chiến đấu với các doanh nghiệp phát triển những hệ thống sáng tạo nội dung bằng AI.

Karla Ortiz là một trong ba nghệ sĩ đã làm đơn kiện tập thể chống lại Stable Diffusion, Midjourney và DreamUp - 3 mô hình sáng tạo hình ảnh bằng AI.

Cộng đồng nghệ thuật đấu tranh bảo vệ bản quyền - Ảnh 1.

Các tác phẩm do công cụ AI Stable Diffusion tạo ra (Ảnh: The Verge)

Các nghệ sĩ cáo buộc những mô hình này đã vi phạm quyền của hàng triệu nghệ sĩ, trong đó có chính họ, khi sử dụng hơn 5 tỷ hình ảnh được lấy từ trên mạng để đào tạo công cụ trí tuệ nhân tạo mà chưa có sự đồng ý của nghệ sĩ gốc.

"Tất cả các tác phẩm của chúng tôi đều bị sử dụng để huấn luyện các mô hình, tạo thành dữ liệu nền cho các hệ thống AI sử dụng. Họ cũng dùng tên của chúng tôi để tạo ra kho dữ liệu hình ảnh. Dù có nhiều điều luật trong sách vở thông thường phải cấm điều này nhưng trong trường hợp cụ thể này, chưa có phiên tòa nào xét xử vụ việc này. Vì thế, tôi quyết định tạo ra tiền lệ với các nghệ sĩ trong cộng đồng của mình. Chúng tôi quyết định khởi kiện" - nghệ sĩ Karla Ortiz, nguyên đơn vụ kiện trí tuệ nhân tạo vi phạm bản quyền, nhấn mạnh.

Trọng tâm của cuộc chiến giữa con người và AI được gói gọn trong 3 chữ C viết tắt cho các từ tiếng Anh là Consent - Credit và Compensation, nghĩa là sự đồng thuận, công nhận bản quyền và bồi thường.

Cộng đồng nghệ thuật đấu tranh bảo vệ bản quyền - Ảnh 2.

Trọng tâm của cuộc chiến giữa con người và AI được gói gọn trong 3 chữ C (Nguồn: Cultural Intellectual Property Rights Initiative)

Các nghệ sĩ muốn những người sáng tạo AI đảm bảo có sự cho phép của chủ nhân những tác phẩm sử dụng trong phần mềm đào tạo AI và có phương án tùy chọn để bỏ tác phẩm khỏi mô hình AI. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng mong muốn được đền bù xứng đáng cho việc vi phạm bản quyền.

"Chúng ta đã nói rất nhiều về bản quyền, về luật sở hữu trí tuệ. Nhưng đối với nghệ sĩ thì tác phẩm đại diện cho chính người đó. Thế nên điều này cũng giống như bị đánh cắp danh tính. Thật sự rất đáng buồn" - nghệ sĩ Karla Ortiz cho biết.

Bên cạnh việc đấu tranh pháp lý, các nghệ sĩ như Ortiz còn tìm tới công nghệ để bảo vệ tác phẩm và phong cách sáng tác của mình khỏi những mô hình AI.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago, Mỹ mới đây đã cho ra mắt phần mềm Glaze giúp ngăn chặn các công cụ tạo hình ảnh bằng AI sao chép phong cách nghệ thuật trong các tác phẩm.

Cơ chế hoạt động của phần mềm này là tạo ra những thay đổi nhỏ cho hình ảnh kỹ thuật số mà mắt thường không nhìn thấy nhưng lại tạo thành một lớp bảo vệ cho tác phẩm trên môi trường trực tuyến, đánh lừa và khiến hệ thống AI không sao chép được phong cách của tác giả.

Nhóm nghiên cứu hy vọng phần mềm này sẽ góp phần bảo vệ quyền của các nghệ sĩ cho tới khi các quy định và luật cụ thể được thiết lập.

Ở thời điểm hiện tại, luật bản quyền ở mức độ quốc tế cũng như quốc gia vẫn chưa có đầy đủ điều khoản áp dụng cho các sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo. Khuynh hướng chung của nhiều nước là từ chối bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra, trên cơ sở luật bản quyền chỉ bảo hộ tác phẩm do con người sáng tạo.

Những lùm xùm xung quanh việc các hệ thống AI vi phạm bản quyền thời gian qua cho thấy nhu cầu có những đạo luật mới phù hợp với tiến bộ công nghệ ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước