Phát triển công nghệ thông tin ở ĐBSCL

Tiến Triển-Thứ tư, ngày 15/12/2010 11:55 GMT+7

Hội nghị “Công nghệ thông tin và truyền thông vì sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 14/12.

Vấn đề qui hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đã được các đại biểu phân tích, thảo luận. Đây là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện “Dự thảo Qui hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” trình Chính phủ phê duyệt.

Là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Đây là những địa phương có vị trí địa lý quan trọng, nhiều tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp, thủy sản. Thế nhưng, hạ tầng viễn thông nhiều khu vực xa trung tâm tỉnh, thành phố vẫn chưa hoàn thiện. Hệ thống Internet băng thông rộng còn hạn chế, mức độ sử dụng dịch vụ còn thấp, nhất là ở vùng nông thôn. Việc cập nhật thông tin phục vụ sản xuất của nhà nông, đặc biệt trên môi trường mạng chưa nhiều nên chưa thể tạo động lực tốt vực dậy các tiềm lực, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nhân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ cho biết: “Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố cũng như Sở Thông tin truyền thông đã cố gắng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai các sản phẩm phần mềm trong ứng dụng cho doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”.
Tiến sĩ Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL là vùng có lợi thế nhưng cũng có khó khăn lớn nhất so với tất cả các vùng. Chúng tôi luôn xác định hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông luôn luôn phát triển và đi trước 1 bước để tạo điều kiện cho lĩnh vực khác phát triển”.
Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Để vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy vai trò đầu tàu, vấn đề qui hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở đây càng trở nên bức thiết. Sau một thời gian phối hợp, nghiên cứu, Bộ thông tin và Truyền thông đã hoàn thành Bản dự thảo qui hoạch với nhiều giải pháp và biện pháp tích cực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phát triển.
Tiến sĩ Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Có mấy giải pháp, tất nhiên đây là những giải pháp định hướng sơ bộ, sau này sẽ có những nghiên cứu phát triển rất cụ thể dưới dạng các đề án, đó là tăng cường chất lượng cho những trường Đại học đang có hiện nay, như Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang. Thứ hai, sẽ xem xét phối hợp chặt với các tỉnh trong khu vực và báo cáo với Chính phủ để thiết lập thêm một số trường chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông. Thứ ba, Bộ sẽ phối hợp các tỉnh đào tạo cho số đông cán bộ làm công nghệ thông tin biết quản lý, vận hành, khai thác”.
Từ năm 2000, Đảng và Nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qui hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long chính là bước tiếp nối, cụ thể hóa chủ trương này. Việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp vùng kinh tế trọng điểm nơi đây trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước và quan trọng hơn là tiếp sức, tạo đà để cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng phát triển.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước