Xúc tiến các cơ hội hợp tác khoa học liên ngành

PV-Thứ hai, ngày 14/03/2011 13:00 GMT+7

Nhằm xúc tiến các cơ hội hợp tác khoa học liên ngành, Hội Trí thức KH&CN Trẻ Việt Nam (VAYSE) và Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội (HUSTA) sẽ phối hợp tổ chức một buổi toạ đàm với chủ đề “Khoa học Liên ngành - nền tảng và đỉnh cao cho khoa học công nghệ Việt Nam” vào ngày 18/3/2011.

Tham gia sự kiện này, ngoài các thành viên của VAYSE trong nhiều lĩnh vực và các hội khoa học chuyên ngành thành viên của HUSTA, còn có sự tham dự của lãnh đạo Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA), Hội Nữ Trí thức Việt Nam (VAFIW), Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các viện nghiên cứu, trường đại học và một số nhà khoa học độc lập.

Anh Nguyễn Đức Hoàng – Chánh văn phòng kiêm Trưởng ban Thông tin Khoa học của VAYSE cho biết, việc xúc tiến tổ chức hoạt động này là nhằm tạo cơ hội cho trí thức trẻ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước cùng những thực tế mà chính các bậc tiền bối mong muốn đặt ra cho lớp trẻ trước những thách thức của hội nhập quốc tế trong khoa học. Nhắc lại việc VAYSE là tổ chức đầu tiên ngoài các hội chuyên ngành CNTT đã tham gia tư vấn, phản biện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT (Đề án Nước mạnh) do Bộ TTTT chủ trì xây dựng, anh Hoàng cho biết thêm, VAYSE xúc tiến hoạt động này nhằm cụ thể hoá cho những việc cần làm với tiểu nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt” đã được ghi rõ trong nhiệm vụ thứ 6 của Đề án Nước mạnh về tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Bên cạnh đó, VAYSE cũng sẽ cùng với các đại diện của ngành CNTT và công nghệ sinh học (CNSH) tiến hành những thảo luận chung về những thực tiễn của CNSH hiện đại với công cụ phát triển là CNTT để đưa ra những định hướng chiến lược cần thiết cho Việt Nam. Đây là vấn đề đã được các Chỉ thị 58/CT-TW năm 2000 về CNTT của Bộ Chính trị và Chỉ thị 50/CT-TW năm 2005 về CNSH của Ban Bí thư chỉ ra và VAYSE cũng đã đề xuất đưa vào Đề án Nước mạnh nhưng rất tiếc là điều này đã bị bỏ ngỏ.
Được biết, một số viện khoa học như Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách KHCN (Bộ Khoa học Công nghệ), Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số (Bộ Thông tin Truyền thông), Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch), Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), Viện Nghiên cứu Công nghệ của Tập đoàn FPT... đã sẵn sàng nhập cuộc. Riêng với ngành ngôn ngữ học (NNH), Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (VLS) từng nhất trí một kiến nghị chung với VAYSE trong quá trình tư vấn, phải biện Đề án Nước mạnh. Theo đó, ngoài các thực tế phải tích hợp giữa CNTT và NNH, vấn đề đặt ra là cần phải thành lập một cơ quan của Chính phủ về NNH (Hội đồng NNH Quốc gia) để làm đầu mối chủ trì, phối hợp với ngành CNTT cho những nhiệm vụ đặt ra.
TS Dương Kỳ Đức - Tổng thư ký VLS cho biết, CNTT và NNH là hai lĩnh vực không thể tách rời nhau như hai mặt của một tờ giấy và đã đến lúc ngành NNH không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc trước những vận động của CNTT. TS Tạ Quang Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ Thông tin Truyền thông) cũng nhìn nhận, lịch sử ngành NNH phải ghi công các chuyên gia tin học vì nhờ có họ mà ngành NNH đã có một bước chuyển mới trong thời đại CNTT. Tuy nhiên, TS Đỗ Bá Lộc – nguyên Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội lại cho rằng, ngành CNTT không nên chờ đợi ngành NNH. Chính họ nên chủ động bổ sung, cập nhật tri thức NNH cho những công việc cần phải làm của nhiệm vụ “Xử lý tiếng Việt” hơn là mất công sức để thuyết phục ngành NNH phải cập nhật, bổ sung các kiến thức về CNTT.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước