Công phu nghề nấu cỗ chay ngày Tết

Minh Đức-Thứ hai, ngày 12/02/2018 17:30 GMT+7

VTV.vn - Việc ăn chay thực dưỡng rất tốt cho sức khỏe, lại thể hiện sự thanh tịnh, nên nhiều người lựa chọn làm cỗ chay để ăn Tết.

Bản thân là một người ăn chay trường nhiều năm, chị Tuệ Trung (Long Biên, Hà Nội) có thể sáng tạo và tự chế biến gần 1.000 món ăn chay khác nhau. Dựa vào sự hiểu biết, kinh nghiệm của mình về việc chế biến các món chay, chị Tuệ Trung có thể gợi ý một số mâm cỗ chay có thể thay thế được cỗ mặn trong dịp Tết.

Công phu nghề nấu cỗ chay ngày Tết - Ảnh 1.

Là một người có kinh nghiệm nhiều năm nấu món chay, chị Tuệ Trung còn nấu rất nhiều món chay cho các đại sư trên thế giới khi ghé thăm Việt Nam

Chị Tuệ Trung chia sẻ: "Ngày cận Tết, có rất nhiều người đặt mình làm đồ ăn chay để ăn vào 5 ngày Tết cho thanh đạm. Mình thấy những mâm cỗ chay này khá phù hợp để dùng trong dịp đầu năm mới, ngon miệng nhưng không quá nhiều chất dư thừa. Ví dụ như mâm cơm gồm bánh chưng chay, giò nấm, pate hạt điều, nem hoa quả, canh măng mọc; hoặc mâm cơm gồm bánh chưng chay, giò lụa chay, ruốc nấm, nem kim liên, mọc viên sốt. Cũng có sự lựa chọn khác như giò rong biển, mắm tép chay, nem sen, chả nấm... Tất cả đều là những món ăn thuần chay, không hề sử dụng đến thịt nhưng vẫn đảm bảo đủ chất và không khí mâm cơm ngày Tết".

Chị Tuệ Trung bật mí, món bánh chưng chay được gói từ đỗ xanh và gạo nếp như bánh chưng thường, nhưng phần thịt mỡ được thay thế bằng mì căn đã hấp chín, khi ăn vẫn tạo vị như thịt. Các món ăn như giò, mọc, chả cũng thay thế nguyên liệu thịt bằng mì căn. Mắm tép chay cũng được làm từ mì căn tươi, nấu lên cùng các loại nấm, trái cây để tạo được vị mắm như thật.

Công phu nghề nấu cỗ chay ngày Tết - Ảnh 2.

Trong việc nấu các món chay ngày Tết, chị Tuệ Trung chia sẻ, thay vì sử dụng thịt, mọi người có thể sử dụng những loại thực phẩm thay thế như nấm, đậu nành, các loại hạt như hạt chie, hạt điều, hạt đậu gà, các loại đỗ lạc... Chị cũng đưa ra những lưu ý khi chế biến và thưởng thức món ăn chay: "Những loại trái cây như cà tím, khoai tây thường được dùng để nấu đồ chay, nhưng những món này ăn nhiều sẽ bị đầy bụng, khó tiêu. Lưu ý khi nấu thì cho tía tô hay thì là sẽ giúp món ăn cân bằng được đặc tính. Nấm cũng thường được dùng để nấu đồ ăn chay, tuy nhiên ăn nhiều nấm cũng có thể gây đầy bụng. Khi sơ chế nấm có thể dùng nước dừng để trần qua nấm, khử tính âm, khi nấu có thể cho thêm muối hầm, bột nghệ để đẩy tính dương".

Chị cũng cho hay, ăn rong biểu sẽ giúp bổ sung nhiều canxi và sắt, khi nấu món chay, người nấu có thể sử dụng linh hoạt các loại ớt chuông xanh, đỏ để vừa làm tăng màu sắc món ăn, vừa giúp bổ sung nhiều vitamin.

Công phu nghề nấu cỗ chay ngày Tết - Ảnh 3.

Bản thân chị Tuệ Trung thường xuyên ăn chay thuần, mâm cơm thường ngày của chị thường là cơm canh đơn giản. Nhưng vì yêu cầu của khách hàng nên chị thường làm món ăn chay giả mặn cho khách: "Nhiều người mới ăn chay thì thường cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức nhưng đấy chỉ là cảm giác thôi, vì đồ ăn chay cũng chứa đầy đủ dinh dưỡng. Bản thân mình thường ăn các món chay thuần, nhưng để trợ duyên cho khách, mình vẫn làm các món giả mặn để người mới ăn chay quen dần. Hơn nữa, trong những mâm cơm ngày Tết, nếu các món ăn chay được làm giả mặn như thịt gà, canh mọc, thịt kho thì sẽ ngon mắt hơn, sinh động hơn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

ăn chay

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước