Worn Again - “Cách mạng hóa” nền công nghiệp may mặc

Cẩm Hàn (Theo Forbes)-Thứ tư, ngày 13/02/2019 10:21 GMT+7

(Ảnh: Worn Again)

VTV.vn - Kết quả nghiên cứu mới của Worn Again Technologies mới về việc biến quần áo cũ trở thành nguyên liệu thô đánh dấu bước tiến lớn trong ngành dệt may.

Worn Again Technologies là một dự án start-up của Anh đặt trụ sở tại London (Anh). Dự án này đã có đột phá trong việc tái chế rác thải nhựa PET thành vật liệu cho dệt may vào năm 2018. Gần đây nhất, Worn Again công bố thành công trong quy trình chuyển hóa quần áo làm từ polyme và bông trở lại dạng nguyên liệu thô.

Worn Again Technology được sáng lập bởi Cyndi Rhoades vào năm 2005 với mục đích là xử lý triệt để phế liệu may mặc. Thời gian đầu khi bắt tay hợp tác với hãng giày Vivo Barefoot, Worn Again đã sáng tạo bằng cách sử dụng vật liệu khó tái chế như vải khinh khí cầu, chăn tù nhân, vào thiết kế túi xách, và giày dép.

Worn Again - “Cách mạng hóa” nền công nghiệp may mặc - Ảnh 1.

Cyndi Rhoades – CEO của Worn Again (Ảnh: Worn Again)

Cho tới năm 2011, Cyndi và giám đốc kỹ thuật Nick Ryan đã gặp tiến sĩ Adam Walker – người trở thành Phó giám đốc Worn Again sau này – để cùng nhau phát triển một công nghệ mới. Loại công nghệ này có khả năng phân tách, làm sạch sợi polyme và bông tổng hợp thành vật liệu tinh khiết từ vật dụng không thể tái chế. Với công nghệ mới, họ cho rằng con người có thể giải quyết hiệu quả vấn đề phế phẩm ở quy mô phân tử.

Hơn nửa thập kỉ sau, công ty đã thành công mang công nghệ được cấp bằng sáng chế ra ngoài thị trường. Worn Again chính thức đưa thế giới gần hơn tới tương lai tái chế nguồn, không có phế liệu.

Công ty đạt tới thỏa thuận đầu tư lên đến 6,4 triệu USD và ký kết hợp tác cùng nhiều thương hiệu lớn, trong đó có H&M, công ty hóa chất Sulzer Chemtech.

Worn Again - “Cách mạng hóa” nền công nghiệp may mặc - Ảnh 2.

Những sản phẩm từ Worn Again không chỉ đảm bảo về mặt chất lượng mà còn cạnh tranh về giá. Theo lời bà Roahdes, chúng thay thế được các mặt hàng làm từ bông và tiết kiệm cho ngành nông nghiệp được lượng lớn nước, phân bón và đất trồng.

Vào năm 2015, 55 triệu tấn polyester và sợi bông được đưa vào sản xuất khắp thế giới. Con số sẽ còn tiếp tục tăng thêm 63% do bùng nổ dân số và các yếu tố khác. CEO Cyndi nhận định: "Chúng tôi cần tới 90 triệu tấn vật liệu để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng".

May mắn thay, nguồn cung từ lượng phế liệu và chai nhựa có sẵn luôn đáp ứng được nhu cầu đó.

Phát minh mới này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, bà Rhoades cho rằng thành phố sẽ có nhiều cơ hội phát triển các cơ sở hạ tầng, trồng nhiều cây xanh hơn nếu vấn đề bãi thải phế liệu được giải quyết.

Worn Again - “Cách mạng hóa” nền công nghiệp may mặc - Ảnh 3.

Bức tường phế liệu may mặc (Ảnh: No trace shop)

Các sản phẩm mang tính bền vững của Worn Again trở nên tối quan trọng với ngành công nghiệp thời trang thế giới. Các nhà thiết kế hiện nay đang có xu hướng theo phong trào "cuộc cách mạng thời trang bền vững" để bảo vệ môi trường và những động vật bị săn để lấy da và lông.

Tham vọng của Worn Again vẫn đang tiếp tục trong việc nghiên cứu mở rộng với nguyên liệu khác như viên nén phế liệu và mùn cưa có thể làm thành váy, quần và đồ may mặc thiết yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước