Học viện Tài chính, trường ĐH Thương mại công bố phương án tuyển sinh 2024

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ bảy, ngày 02/03/2024 05:47 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Nhiều trường đại học tiếp tục công bố phương án tuyển sinh đại học 2024 trong đó có Học viện Tài chính, đại học Thương mại,Học viện Phụ nữ Việt Nam...

Học viện Tài chính công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2024

Tổng chỉ tiêu (dự kiến) là 4.500 trong đó: Chương trình chuẩn là 3.100; Chương trình đào tạo định hướng CCQT là 1.280; Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120.

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển kết hợp.

Trong đó: Tài chính – Ngân hàng 1 bao gồm các chuyên ngành: Quản lý tài chính công, Thuế, Hải quan và Nghiệp vụ ngoại thương, Tài chính quốc tế, Phân tích chính sách tài chính; Tài chính – Ngân hàng 2: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản; Tài chính – Ngân hàng 3: Ngân hàng, Tài chính bảo hiểm, Đầu tư tài chính.

Trường hợp không đủ chỉ tiêu, Học viện tiếp tục xét tuyển bổ sung theo các phương thức trên cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu dựa trên nguyên tắc không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện ở đợt 1.

Phương thức tuyển sinh Học viện tài chính 2024

(1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

(2) Xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT.

(3) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

(4) Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

(5) Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

Với phương thức xét học bạ THPT, thí sinh đã tốt nghiệp THPT trên toàn quốc có hạnh kiểm 3 năm bậc THPT xếp loại Tốt (không xét thí sinh tốt nghiệp theo hình thức Giáo dục thường xuyên), có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

Năm nay, Học viện Tài chính tiếp tục xét tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm sàn lần lượt 90/150 và 60/100. Điểm này được quy đổi ra thang 30, cộng với điểm ưu tiên (nếu có) để xét tuyển. Năm ngoái, điểm sàn lần lượt là 100/150 hoặc 75/100 điểm trở lên.

Trường ĐH Thương mại tuyển hơn 4.900 chỉ tiêu với 38 chương trình đào tạo

Trong đó 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.

Năm 2024, Trường ĐH Thương mại giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023, có điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh.

Các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp.

Riêng phương thức xét tuyển kết hợp có: Mã phương thức xét tuyển 409 (xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; mã phương thức xét tuyển 410 (Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả học tập cấp THPT); mã phương thức xét tuyển 500 (Xét tuyển kết hợp giải Học sinh giỏi với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024).

ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế công bố phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2024

Theo đó, ở phương thức tuyển sinh, cơ bản Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế giữ nguyên những phương thức tuyển sinh của những năm gần đây mà đã chứng tỏ hiệu quả trong tuyển sinh cả về số lượng cũng như chất lượng đầu vào đã tuyển được như: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp trung học phổ thông (điểm học bạ), dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm thi tốt nghiệp THPT) năm 2024, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, ưu tiên xét tuyển theo phương thức riêng của ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế.

Trong đó các phương thức riêng được ưu tiên xét tuyển bao gồm: kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và điểm học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) của các đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức và điểm học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, kết quả học tập ở cấp THPT năm học lớp 12 đạt loại giỏi trở lên, thí sinh đoạt giải nhất, giải nhì hoặc giải ba trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm từ 2022 đến 2024.

Trường đã bỏ đi 1 phương thức ưu tiên xét tuyển riêng dành cho học sinh quốc tịch Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc tương đương vì sau khi COVID-19 đã tạm ổn, việc du học dễ dàng hơn thì số lượng đối tượng này không còn nhiều.

Học viện Tài chính, trường ĐH Thương mại công bố phương án tuyển sinh 2024 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Trường bổ sung 1 phương thức ưu tiên xét tuyển mới là sử dụng xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kết hợp với Đại học Huế tổ chức.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngoài các ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT phân chỉ tiêu, đối với các ngành khác Trường đã có điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp hơn với tình hình tuyển sinh những năm gần đây. Những ngành tuyển sinh tốt, nhu cầu xã hội cao được Trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, những ngành tuyển sinh chưa thực sự tốt Trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh để giảm áp lực cho các khoa chuyên môn, đồng thời có cơ sở để tập trung nguồn lực bồi dưỡng đội ngũ cho các khoa mũi nhọn.

Tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu cho các nhóm phương thức xét tuyển cũng có điều chỉnh. Các năm trước đây, hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các phương thức ưu tiên xét tuyển nhiều, tỷ lệ nhập học cũng cao nên năm nay trường tăng thêm cho nhóm các phương thức này từ 20% lên 30% chỉ tiêu của mỗi ngành. Đối với 2 nhóm phương thức xét tuyển còn lại trường không phân % cố định mà có linh hoạt tùy theo số lượng hồ sơ của mỗi phương thức sau này.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng, đối với các phương thức đã dùng những năm trước, trường vẫn giữ nguyên ngưỡng đảm bảo chất lượng để không gây xáo trộn đối với những học sinh muốn sử dụng các phương thức này để đăng ký xét tuyển.

Đối với phương thức ưu tiên xét tuyển mới bổ sung năm nay, trường nghiên cứu kỹ đề thi mẫu, thang điểm, phổ điểm thi những năm gần đây và đề xuất ngưỡng phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu vào.

Về chính sách học phí, sau khi có Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong Đề án, Trường đã thông báo chính xác mức học phí tính theo năm (niên chế) và theo tín chỉ cho khóa tuyển sinh 2024. Mức học phí này cũng phù hợp với mức trường vừa xác định cho năm học 2023-2024 hiện tại.

Học viện Phụ nữ Việt Nam sử dụng 5 phương thức xét tuyển

Năm 2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam dự kiến tuyển sinh gần 1.600 chỉ tiêu hệ đại học chính quy, với 5 phương thức xét tuyển.

5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Quy chế Học viện; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Điều kiện chung để xét tuyển vào Học viện Phụ nữ Việt Nam gồm: Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định tại Đề án tuyển sinh của Học viện; Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành và không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế các quyền dân sự liên quan đến việc học tập; Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển và nộp lệ phí xét tuyển theo quy định.

Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, Học viện sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) sử dụng 7 phương thức tuyển sinh

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024

Phương thức 2: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 của Bộ GD&ĐT

Phương thức 3: Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT theo quy định của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2024

Phương thức 4: Ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi theo quy định của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2024

Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024

Phương thức 6: Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài hoặc thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế

Phương thức 7: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (chỉ áp dụng cho các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài)

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là 2.610 sinh viên, trong đó các ngành do nhà trường cấp bằng với 1.970 chỉ tiêu và chương trình liên kết với 640 chỉ tiêu.

Năm 2024, Trường Đại học Quốc tế tuyển 23 ngành đào tạo đại học chính quy (học 4 năm tại Việt Nam do Trường Đại học Quốc tế cấp bằng) và 20 chương trình đào tạo liên kết do trường đại học đối tác nước ngoài (Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cấp bằng).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước