Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc

VTV Digital-Thứ ba, ngày 05/09/2023 12:02 GMT+7

VTV.vn - Sáng nay, 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024, mang theo những hy vọng mới cùng nỗ lực của các thầy cô giáo cho những trường học hạnh phúc.

Nhiều đổi mới trong năm học mới

Sáng nay, ngày 5/9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước tham dự lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Tại Thủ đô Hà Nội, đường phố nhộn nhịp ngay từ sáng sớm khi khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp đến trường tham gia lễ khai giảng với nhiều kỳ vọng về một năm học mới nhiều niềm vui và thành công.

Ngay từ hơn 6h sáng, Trường THCS Cầu Giấy đã rộn rã không khí của ngày khai trường. Những bức ảnh lưu niệm, những cuộc chuyện trò… - tất cả đều rạng rỡ niềm hứng khởi của học sinh, phụ huynh và các thầy cô.

Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 1.
Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 2.

Trong không khí rộn rã của ngày tựu trường, bứt phá là mục tiêu và cũng là kỳ vọng của ngôi trường này cho một năm học, chắc chắn có nhiều thách thức song cũng nhiều niềm tin.

Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - chia sẻ: "Chủ đề năm học này chúng tôi đặt tên là ‘Bứt phá’. Bứt phá để vượt qua được mọi giới hạn của bản thân, bứt phá để tiếp tục chinh phục và bứt phá để có thể chạm tới những thành công…".

Còn với ngôi trường Marie Cuire, lễ khai giảng không chỉ là dấu mốc cho một năm học mới bắt đầu, mà còn là thời điểm để nhìn lại những nỗ lực trong suốt 1 năm học đã qua, nhất là với những dự án giáo dục vì cộng đồng.

Từ những dự án giáo dục vì cộng đồng của nhà trường đến ước mơ và trách nhiệm của người trẻ, của những học sinh đang trên ghế nhà trường, lễ khai trường năm nay sẽ trở thành dấu mốc cho những khát vọng dám nghĩ, dám làm và dám thách thức bản thân của học trò dưới sự dìu dắt của cô thầy.

Tại TP Hồ Chí Minh, cùng với 23 triệu học sinh trên cả nước, sáng nay, 1,7 triệu học sinh các cấp trên địa bàn thành phố đã tham dự lễ khai giảng năm học mới. Sau cơn mưa lớn vào sáng sớm, thời tiết mát mẻ, các em học sinh háo hức đến trường dự lễ khai giảng trong những bộ đồng phục mới, những tà áo dài trắng thướt tha. Năm học mới mang theo những hy vọng mới của cả thầy và trò.

Năm học mới 2023-2024, việc xây dựng trường tiên tiến, hội nhập quốc tế là mục tiêu của nhiều trường công lập tại TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là giải pháp để nâng cao chất lượng trường công lập trong bối cảnh còn rất khó khăn về diện tích trường lớp và tuyển mới giáo viên.

Khai trường, đón học sinh lớp 6 bước vào năm học mới, lần đầu tiên Trường THCS Hoa Lư tổ chức riêng một buổi lễ trang trọng này để chào mừng phụ huynh và học sinh khối lớp 6. Năm đầu tiên nhà trường triển khai mô hình tiên tiến hội nhập quốc tế nên phụ huynh học sinh rất mong chờ.

Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 3.
Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 4.

Đối với không ít trường, việc xây dựng theo mô hình mới là một thách thức không nhỏ, cần quá trình chuẩn bị và nỗ lực đổi mới để đảm bảo tuyển dụng đủ đội ngũ giáo viên chất lượng, tổ chức lớp học theo chương trình quốc tế.

Bà Nguyễn Dương Minh Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Lư, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - bày tỏ: "Nhà trường cũng mong muốn các em được học tập với một không khí thật thân thiện và được học chương trình tiên tiến hội nhập quốc tế, có thêm những bộ môn như chương trình ngoại ngữ 2 ở trường là tiếng Hàn, học sinh được học tin học quốc tế, học sinh được tham gia các CLB năng khiếu và CLB học thuật".

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh thì chia sẻ: "Thay đổi lớn nhất là trước đây không thực hiện trường tiên tiến hiện đại, tổng sĩ số học sinh một lớp có thể lên tới 50 học sinh. Sau khi thực hiện mô hình trường tiên tiến hiện đại, sĩ số một lớp trung bình tối đa 35 học sinh. Đây là con số lý tưởng để học sinh học tập và phát triển tư duy và các hoạt động của trường theo tiêu chí trường tiên tiến hiện đại".

Năm học này, nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh (Tân Phú, Gò Vấp) hay TP Thủ Đức đã nhân rộng mô hình trường công lập tiên tiến hội nhập quốc tế, sĩ số học sinh toàn trường giảm xuống khoảng 1/3, chỉ còn 35 em/lớp, đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Đây là một áp lực không nhỏ khi hầu hết các quận, huyện vùng ven vẫn còn thiếu trường lớp.

Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - cho hay: "Có 3 trường đang tiến hành thực hiện theo chương trình tiên tiến hội nhập. Trong những năm sắp tới, ngành Giáo dục sẽ đề xuất thêm những trường phù hợp với tình hình thực tế và kinh tế địa phương để xây dựng nhiều hơn nữa trường tiến tiến hội nhập trên TP Thủ Đức".

Nhờ thực hiện xã hội hóa, với sự đồng hành của phụ huynh học sinh, góp phần tăng cường các dịch vụ cho học sinh như: tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm; tổ chức ăn trưa, bán trú chất lượng, giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, các phòng chức năng đầy đủ. Đây là mô hình được rất nhiều phụ huynh ủng hộ và lựa chọn cho con theo học. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có gần 50 trường tiên tiến hội nhập quốc tế ở các cấp học.

Nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc

Trung bình mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tăng thêm khoảng 40.000 học sinh, trong khi mỗi năm thành phố chỉ xây mới được khoảng 600 - 700 phòng học mới. Quỹ đất dành cho giáo dục không còn nhiều, công tác đền bù giải tỏa chậm và khó khăn. Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, tăng số học sinh học 2 buổi/ngày đã khó, nỗ lực xây dựng trường học lấy học sinh là trung tâm của mọi hoạt động, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc còn khó khăn hơn. Mặc dù vậy, các thầy cô giáo, nhà trường vẫn tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, mang đến những trải nghiệm tốt nhất tùy theo điều kiện cụ thể ở mỗi trường học, mỗi địa bàn.

Canh tác chăm sóc vườn rau và vật nuôi tại một trang trại ở huyện Bình Chánh - không chỉ học sinh hào hứng mà chính các phụ huynh cũng rất ủng hộ nhà trường nơi đây tổ chức những giờ học trải nghiệm như thế này. Hàng tuần, các lớp đều được luân phiên đến thăm quan học tập và trải nghiệm.

Năm học này, hầu hết các cấp học đã sẵn sàng chuẩn bị để từ năm tới sẽ triển khai đủ 12 khối lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, hướng nghiệp sớm hơn. Mục tiêu giáo dục cũng rất phù hợp với việc xây dựng trường học hạnh phúc mà TP Hồ Chí Minh đặt ra.

Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 6.
Năm học mới và niềm hy vọng mới về những trường học hạnh phúc - Ảnh 7.

Đã có 2 hội thảo về xây dựng trường học hạnh phúc được tổ chức. Trong đó, thành phố mong muốn lan tỏa tinh thần tiên phong của hiệu trưởng các trường sẵn sàng thay đổi, đổi mới để mang đến những trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh ở trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh: "Học sinh là những chủ thể của quá trình. Các em mong muốn điều gì, phải được lắng nghe, chia sẻ và tổ chức các hoạt động, tăng cường các hoạt động từ việc dạy và học áp đặt chuyển sang dạy và học theo định hướng phát triển năng lực".

Một số trường học đã chọn chủ đề ngày khai giảng năm nay là "Ngôi trường hạnh phúc" với mong muốn học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui - nơi mà chính thầy cô phải thay đổi với tâm thế phụng sự cống hiến, tạo nên một môi trường để học trò có những trải nghiệm thật sự vui vẻ đáng nhớ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước