‘Ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp’

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 09/04/2022 11:02 GMT+7

VTV.vn- Nhiều đại biểu có chung nhận định trên khi tham dự Tọa đàm “Giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức chiều 8/4.

Cha mẹ không hoàn toàn gây áp lực cho các em học sinh

Chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về "Giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều sự kiện tự sát vô cùng đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học đường, từ đây đặt rất vấn đề cấp bách cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản và giải pháp lâu dài về vấn đề đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, từ đó có những khuyến nghị phù hợp về chính sách, điều chỉnh về pháp luật hợp lý để bảo vệ trẻ em trước sự tác động không ngừng của xã hội; góp phần ngăn ngừa từ sớm, từ xa những thông tin tiêu cực đến suy nghĩ và sức khỏe tâm thần của học sinh; xây dựng môi trường lành mạnh để trẻ phát triển.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.Trước thực trạng tình trạng trầm cảm ở lứa tuổi học sinh xảy ra liên tiếp như hiện nay, các đại biểu kỳ vọng, với tầm vóc của Quốc hội, Quốc hội sẽ thực sự đầu tư cho vấn đề này, tìm ra những chiến lược để có những giải pháp lâu dài và giải quyết được dứt điểm thực trạng tiêu cực này.

Các đại biểu nhấn mạnh, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Cha mẹ đặc biệt cần có sự quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm tuổi học đường.

‘Ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp’ - Ảnh 1.

TS.Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta không thể đổ lỗi cho áp lực, chỉ cần nó đừng vượt quá giới hạn cho phép.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), TS.Nguyễn Tùng Lâm, vấn đề giáo dục trong gia đình cần được đề cao. Chúng ta cần tổ chức những lớp học bắt buộc cho cha mẹ học sinh về kỹ năng làm cha mẹ, cách nuôi dạy con trong từng cấp học để giúp cha mẹ có thể nắm bắt được dấu hiệu tâm thần của con ngay từ đầu, ngay từ cấp học mầm non.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, xã hội càng phát triển thì sẽ càng xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột. Đó là quy luật tất yếu. Cha mẹ không hoàn toàn gây áp lực cho các em. Bởi trong một thế giới phát triển không ngừng, ai cũng tự phải trải qua những áp lực trong học tập để phát triển. Nếu chúng ra không tạo cho trẻ khả năng thích ứng, khả năng giải quyết thì làm sao trẻ em trưởng thành , đáp ứng được sự thay đổi, phát triển của xã hội, làm sao thích ứng và vượt qua được những áp lực khác của xã hội sau này. Chúng ta không thể đổ lỗi cho áp lực, chỉ cần nó đừng vượt quá giới hạn cho phép.

"Chúng ta đang tập trung vào trường chuyên lớp chọn, suy cho cùng vẫn là tập trung về kiến thức chứ không phải phát triển con người. Chúng ta đang bắt học sinh học quá nhiều, đòi hỏi bằng cấp, các em học chuyên này chuyên kia, nhưng lại có thể kém trong việc thích ứng với xã hội và có thể lại không tìm được những cơ hội việc làm tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên. Điều băn khoăn hiện nay rất nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ bàn bạc chứ chưa có cách giải quyết. Hiện nay cán bộ tham vấn tâm lý học đường tại các trường từ mầm non đến THPT có vai trò rất quan trọng nhưng chúng ta vẫn chưa có biên chế cho đội ngũ này. Bộ Tài chính, Bộ Nội Vụ cần phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, Quốc hội cũng cần sớm có kiến nghị để giải quyết bất cập này", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Chuyên gia tâm lý này cho rằng không chỉ học sinh cần học, mà Bộ GD&ĐT cũng cần có các chương trình để tập huấn cho cha mẹ học sinh cách chăm sóc, giáo dục con để có thể đồng hành tốt nhất với con.

‘Ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp’ - Ảnh 2.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Trần Huy Hoàng cũng cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ học sinh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Trần Huy Hoàng cũng cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ, hoặc coi việc đóng băng, ngăn chặn thông tin là giải pháp, đó là xã hội chung mà việc của chúng ta là cần trang bị cho trẻ khả năng thích ứng mới là giải pháp lâu dài.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại chức năng của giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta mặc dù đã có thay đổi nhưng vẫn còn đang chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp. Trong thời gian tới, chúng ta cần giảm đi giáo dục lý thuyết hàn lâm và tập trung nhiều hơn về phát triển kỹ năng, phẩm chất, con người, phát huy được hết những thế mạnh, tiềm năng của mỗi cá nhân.

Làm sao để phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh?

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như: áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái và điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các em; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục; thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều, hút thuốc lá, uống rượu, những định kiến xã hội…

Chia sẻ tại tọa đàm về vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, trong mùa dịch, học sinh bị "nhốt" trong nhà học online một thời gian rất dài, các em bị giảm tương tác với mọi người xung quanh, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng đảo lộn.

Để giảm áp lực cho học sinh trong mùa dịch, nhà trường cũng thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, giảm tải kiến thức khi học trực tuyến.

‘Ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp’ - Ảnh 3.

Cha mẹ cần tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập.

Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp đề xuất phương án hỗ trợ học sinh. Trong đó có các giải pháp đã và đang được đưa vào áp dụng như cử học sinh tốt hơn hỗ trợ những bạn học kém hơn, giáo viên kèm riêng cho những học sinh kém hay phối hợp giữa gia đình và nhà trường ra sao. Song bên cạnh đó cũng có những ý kiến đề xuất yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm và bản cam kết nếu đạt kết quả kém. Chúng tôi nói rằng, kết quả học tập của học sinh và cộng hưởng kết quả dạy của giáo viên và việc học của các em, là sự hỗ trợ của gia đình. Như vậy nếu học sinh học chưa tốt thì trước tiên giáo viên, gia đình phải viết bản kiểm điểm trước khi bắt các em làm điều đó", cô Thu Anh nói.

Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm, cần tăng cường tính chịu trách nhiệm với mỗi thành viên của trường. Người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thể chất, song lại chưa thực sự chú trọng đến sức khỏe tinh thần.

Đề xuất những biện pháp nào giúp phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh, các đại biểu cho rằng, đối với gia đình và nhà trường, phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết; khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề; tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập; tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.

‘Ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp’ - Ảnh 4.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh để giải quyết cần tổng hòa trách nhiệm của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, bản thân học sinh cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt; rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường; tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích…

Kết thúc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh để giải quyết cần tổng hòa trách nhiệm của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục giám sát về Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong đó có vấn đề làm sao giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, Ủy ban cũng sẽ đồng hành với Chính phủ trong quá trình sửa luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hoàn thiện hệ thống pháp lý, giải quyết căn nguyên sâu xa của vấn đề này.

Trên cơ sở các ý kiến tại Tọa đàm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp, phân loại các ý kiến góp ý để có tiếng nói, khuyến nghị về mặt chính sách, pháp luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Quốc hội trong thời gian tới.

Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài? Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài?

VTV.vn - Khoảng 1 triệu học sinh tiểu học và lớp 6 ở Hà Nội đã đến trường học trực tiếp. Học sinh có thể gặp những vấn đề tâm lý nào? Nhà trường đã có sự chuẩn bị ra sao?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước