Nhiều góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Kim Hải (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 20/05/2017 21:04 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (20/5), là thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến dư luận về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Kể từ khi được đưa ra lấy ý kiến đến nay, nhiều hội thảo khắp 3 miền đã được tổ chức để các chuyên gia góp ý cho Dự thảo này. Tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc đều góp ý. Trên các tờ báo lớn cũng đã có khoảng 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới dạng các bài viết. Điều đó cho thấy sự quan tâm đối với Dự thảo này và nền giáo dục Việt Nam trong tương lai, có tính chất quyết định đến sự phát triển của đất nước.

Theo tổng hợp của Ban soạn thảo chương trình, các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo. Dự thảo này được đánh giá là có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, tiếp cận xu hướng quốc tế. Xây dựng được những môn học và hoạt động giáo dục có tính tích hợp khá hợp lý; cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm. Dự thảo chương trình có hướng mở, đảm bảo thống nhất về những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình địa phương.

Bên cạnh đó, cũng còn những ý kiến góp ý khác. Có 4 vấn đề chính thu hút nhiều ý kiến tham gia tranh luận.

Thứ nhất: Góp ý điều chỉnh phẩm chất, năng lực của học sinh.

Thứ hai: Các môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp học đã được sắp xếp khoa học, hợp lý chưa?

Thứ ba: Những lo ngại về các điều kiện cụ thể để triển khai chương trình như Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của các địa phương, các trường học, vấn đề viết sách giáo khoa.

Thứ tư: Tiến độ triển khai chương trình hiện được cho là quá gấp rút, khó mà chuẩn bị được chu đáo

Một số ý kiến đề nghị: Nên xem lại cách phân chia các môn học và hoạt động giáo dục sao cho đơn giản, phổ thông, dễ hiểu. Ở cấp THPT nên xét lại vị trí, vai trò "dự hướng" của lớp 10. Xem xét quy định thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở các cấp học, nhất là ở cấp tiểu học đảm bảo tính khả thi. Xem xét, cân đối để có thể giảm hợp lý thời lượng giáo dục ở mỗi lớp và từng môn học nhằm giảm tải cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị. Trước mắt, đã xác định được một số vấn đề phải điều chỉnh, một số vấn đề sẽ tiếp tục thảo luận với Ban soạn thảo chương trình và sau đó là Hội đồng thẩm định quốc gia để đưa ra được phương án tối ưu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước