Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/12/2023 12:17 GMT+7

VTV.vn - Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn hàng loạt tồn tại, hạn chế.

Phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh

Nghị quyết số 29 về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng,đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết giữ vai trò quan trọng trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, về cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi.

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - Ảnh 1.
Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - Ảnh 2.

Đối với giáo dục phổ thông, hệ thống cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, sắp xếp và đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân. Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%, học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 94,3%; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7%.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với sự thay đổi tư duy và phương pháp giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng giảm tải khối lượng kiến thức, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn cuộc sống; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục.

Trong 10 năm qua, giáo dục đại học đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả. Chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đã tạo ra những đổi mới căn bản và toàn diện về phương thức quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Chưa thể hiện được quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc thể chế hóa Nghị quyết còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo...

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - Ảnh 5.

Tự hào nghề giáo

Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập, không những cần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường mà còn phải quan tâm đặc biệt đến đổi mới giáo dục- đào tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bởi lâu nay chúng ta đã xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Nhiều thầy cô vẫn đang bền bỉ, nỗ lực hàng ngày, để mỗi tiết học luôn truyền cảm hứng đến học sinh; gìn giữ sự thương yêu, tôn trọng của xã hội với người thầy. Nhưng cũng vẫn có những câu chuyện còn gây bức xúc. Nghề giáo ngày nay chịu sự giám sát rất lớn. Những hành vi sai trái chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Nhưng cũng có những sự đòi hỏi và ứng xử vượt chuẩn mực từ phụ huynh, xã hội với người thầy.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo. Họ đang trực tiếp dạy dỗ hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Thầy cô đến những nơi xa xôi nhất. Thầy cô đưa học sinh đến những giải thưởng quốc tế. Dù khó khăn và thách thức, họ vẫn luôn tự hào khi lựa chọn nghề giáo.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian để tiếp tục thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, cần xác định 3 nội dung mang yếu tố quyết định bao gồm nhận thức - thể chế - nguồn lực.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện & bình luận là các khách mời: TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp và PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước