Sinh viên Sư phạm được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng vẫn là chưa đủ

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 30/09/2020 16:35 GMT+7

Sinh viên ngành Sư phạm. Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ cho sinh viên Sư phạm là rất tốt nhưng chưa đủ khi ngành Sư phạm vẫn khó hút nhân tài vì nhiều lý do.

Thời gian qua, chính sách giảm, miễn học phí nhằm thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm tuy nhiên những năm gần đây, chính sách này lại không phát huy tối đa tác dụng. Học sinh thi đỗ vào ngành Sư phạm gần như không mất chi phí nào trong suốt 4 năm học tập nhưng ngành Sư phạm vài năm trở lại đây không thu hút được nhiều nhân tài.

Chia sẻ với báo Người lao động, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết chính sách giảm, miễn học phí chỉ thực sự giúp ích cho những học sinh muốn theo đuổi ngành Sư phạm chứ khó có tác dụng là đòn bẩy để thu hút học sinh giỏi vào học như nhiều ngành khác.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nhẩm tính với mức hỗ trợ 36,3 triệu đồng/năm cùng mức học phí tạm tính khoảng 20 triệu đồng/năm thì trong 4 năm học, sinh viên SP được hỗ trợ khoảng 225 triệu đồng. Với số tiền trên, ông Hồng cho rằng sinh viên nhiều ngành khác tốt nghiệp rồi đi làm có thể trả hết trong vòng 2 - 3 năm nhưng với sinh viên Sư phạm tốt nghiệp đi dạy thì chừng đó thời gian chắc chắn không trả hết.

Như vậy, thu nhập sau khi tốt nghiệp mới là yếu tố quyết định chứ không phải là hỗ trợ ban đầu. TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cũng đồng tình quan điểm khi rằng ngành nào có thu nhập cao khi làm việc thì sẽ thu hút được người tài. Thực tế cho thấy một số ngành Sư phạm có cơ hội dạy thêm hay những ngành dù không được miễn học phí hay hỗ trợ sinh hoạt phí nhưng điểm chuẩn vẫn cao chót vót.

Sinh viên Sư phạm được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng vẫn là chưa đủ - Ảnh 1.

Theo ước tính, sinh viên Sư phạm được hỗ trợ khoảng 225 triệu đồng trong 4 năm học. Ảnh minh họa: TTXVN

TS Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đánh giá chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên Sư phạm có tác dụng kích thích học sinh giỏi vào ngành Sư phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là phần khởi đầu bởi chính sách về lương, cơ hội cải thiện thu nhập của nhà giáo mới có tác dụng quyết định. Ngoài chính sách về lương bổng, thu nhập, nhà giáo cũng cần có môi trường làm việc tốt, có điều kiện để nghiên cứu, nâng cao chuyên môn…

Trước đó, ngày 25/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên Sư phạm.

Cụ thể, sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên Sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.

Nghị định cũng quy định rõ việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với các trường hợp cụ thể như các sinh viên đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học...

Nghị định gồm 4 chương, 15 điều và có hiệu lực thi hành từ 15/11/2020.


Từ 15/11, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền? Từ 15/11, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền?

VTV.vn - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước