Theo Global Times, người đứng đầu ngành giáo dục xứ Trung có động thái muốn chấm dứt việc tôn sùng quá mức thủ khoa đại học.
"Nếu phát hiện trường hợp vi phạm nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Chen Baosheng nhấn mạnh trong hội nghị quốc gia mới đây. Tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ.
Nhiều người cho rằng chỉ thị trên xuất phát từ lo ngại danh hiệu thủ khoa bị gắn quá nhiều yếu tố thương mại như công cụ quảng bá, kinh doanh và việc tuyên truyền quá mức của các trường, mang đến quá nhiều áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh và cả xã hội.
Cũng không ít người coi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiến tới mục tiêu nền "giáo dục toàn diện" từng được đề ra nhiều năm nay.
Ông Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc cho rằng do hệ thống giáo dục đang hoàn toàn bị chi phối bởi một kỳ thi quốc gia dẫn đến thực trạng tôn sùng thủ khoa.
Còn ông Xiong Bingqi, một chuyên gia giáo dục của Trung Quốc, vấn đề then chốt đằng sau việc vinh danh thủ khoa là hệ thống giáo dục nặng thi cử của nước này. Vị này nhận định thêm: "Nếu lệnh cấm không xác định các mục tiêu và người thực thi thì rất có thể trở thành hô hào trống rỗng".
"Thủ khoa" - ngành kinh doanh sinh bộn tiền
Tháng 8/2017, bốn sinh viên thủ khoa ở huyện Bác Bạch, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được một trường tổ chức lễ vinh danh khá "lố". Các em ngồi trong chiếc xe hơi trang trí rèm hoa đỏ, theo sau là đoàn xe, ban nhạc và đội múa lân rồng rình rang. Từ trong xe, các em vẫy tay chào mọi người trên đường như những ngôi sao thực thụ.
Những buổi lễ như vậy đã vượt ra ngoài khuôn khổ vinh danh tinh thần ham học, mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho cả người tổ chức và các thủ khoa. Không hiếm các thủ khoa Trung Quốc được tặng nhà, xe hơi, học bổng, đổi lại các em phải quảng bá thương hiệu cho các trường.
Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 70% các thủ khoa ký kết với các công ty, các trường để thương mại hóa thành tích của mình.
Một thủ khoa ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từng được tặng một ngôi nhà rộng 130m2 trị giá ít nhất 78.587 USD vào năm ngoái.
Trên website thương mại điện tử Taobao của nước này, mức giá cao nhất để có một bản viết tay của thủ khoa là khoảng 2.000 tệ, mức phổ biến là khoảng 350 tệ.
Một thủ khoa giấu tên ở tỉnh Hà Bắc cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận em và mỗi bài phát biểu sau khi được vinh danh của em có giá 8.000 nhân dân tệ.
Zheng Shuhao, một trong những người đạt điểm cao nhất về khoa học trong kỳ thi đại học năm 2017 của tỉnh Sơn Tây, cũng được các cơ sở giáo dục mời chia sẻ kinh nghiệm và dạy các khóa học. "Học sinh chăm chú lắng nghe chúng tôi thậm chí hơn cả giáo viên và phụ huynh", chàng trai chia sẻ.
Tuy nhiên, Zheng thừa nhận bản thân mang gánh nặng áp lực lớn khi tham gia chương trình truyền hình nổi tiếng "Super Brain" (Siêu trí não), bởi "là thủ khoa nên không thể thua".
Các trường sau khi vinh danh một học sinh thủ khoa sẽ tranh thủ quảng bá đội ngũ giáo viên và thế mạnh giáo dục riêng mình tại cộng đồng địa phương để nâng cao danh tiếng. Trường này sau đó sẽ dễ dàng thu hút được nhiều học sinh giỏi hơn và bắt đầu tăng học phí.
Đối với các trường công, sở hữu thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia là thành tích quan trọng để báo cáo lên cấp trên.
Lo lắng thái quá
Chuyên gia giáo dục Xiong Bingqi lưu ý rằng, khi giáo dục vì mục tiêu thi cử, việc học sinh và phụ huynh chú trọng vào điểm số và xếp hạng là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Chu cho rằng điểm số không đánh giá được toàn diện về khả năng của một đứa trẻ ở trường. "Với một hệ thống giáo dục chỉ đặt vào kỳ thi đại học, phụ huynh và học sinh phải lo lắng quá nhiều về điểm số và xếp hạng thay vì học tập", ông nói.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đề xuất ý tưởng "phát triển toàn diện giáo dục" từ những năm 1990 song nhiều nhà giáo dục nhận định, khẩu hiệu này quá trừu tượng và chưa mang lại hiệu quả thực tiễn.
Trong khi các cơ quan giáo dục yêu cầu trường học giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con đến lớp học thêm để tránh "thua từ vạch xuất phát".
Cải cách "gaokao"
Các nhà giáo dục Trung Quốc đang đề xuất giải pháp cải cách kỳ thi đại học (gọi là gaokao) nhằm giảm gánh nặng của thi cử lên hệ thống giáo dục nước nhà, thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện, không xếp hạng học sinh chỉ dựa theo điểm số.
Nhiều người tin rằng thi đại học (gaokao) là cách công bằng nhất khi tạo cơ hội cạnh tranh cho thí sinh thuộc mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát trực tuyến do People's Daily thực hiện năm 2012, 53% số người được hỏi (5.882 người) tin rằng kỳ thi "gaokao" ở Trung Quốc không còn công bằng như trước do sử dụng nhiều đề thi, lập nhiều điểm thi cho thí sinh ở các tỉnh khác nhau.
Hai chuyên gia về giáo dục, Chu và Xiong cùng đề xuất một giải pháp cải thiện hệ thống giáo dục hiện tại bằng việc tách biệt thi cử và tuyển sinh. Thay vì phụ thuộc cơ quan giáo dục, các trường đại học nên tự xây dựng đề thi và thành lập đội ngũ tuyển sinh riêng để lựa chọn ứng viên phù hợp.
Trở lại với lệnh cấm tiết lộ danh tính và tôn vinh thủ khoa, tính đến ngày 17/5, một quan chức ở sở giáo dục Weihai của tỉnh Sơn Đông cho biết, họ vẫn chưa nhận được những hướng dẫn cụ thể về việc lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào.
Hiện Bộ Giáo dục Trung Quốc chưa ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai lệnh cấm tuyên truyền gương thủ khoa, trong khi kỳ thi sắp đến gần.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!