Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt tăng tốc

Tiến Triển-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 11:22 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh thách thức, các doanh nghiệp cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang chủ động kế hoạch thích ứng, ổn định hiệu quả kinh doanh xuất khẩu gạo.

Lệnh dừng xuất khẩu gạo được cho là nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực và giúp kiểm soát lạm phát tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn, chiếm 40% nguồn cung của thế giới. Tuy nhiên, mới qua 2 ngày chính thức có hiệu lực, lệnh cấm đã tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp.

"Mỗi ngày, giá gạo tăng thêm 200 đồng/kg. Những đơn vị xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nhất là những đơn vị mà còn nợ những hợp đồng cũ. Giá tăng cao và nhanh như vậy thì mình cũng khó ký được hợp đồng mới", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long, cho biết.

Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu gạo nước ta đang tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Cùng với đó, sản lượng gạo tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm bởi tác động của El Nino. Nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng xuất khẩu là khó tránh khỏi. Bên cạnh thách thức, các doanh nghiệp vẫn xem đây là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt tăng tốc - Ảnh 1.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chúng ta phải ngồi lại tính kỹ mức giá bán và mức giá mua làm sao cho hợp lý, thống nhất cho nông dân sống được thì nông dân trồng cây lúa nhiều hơn. Mình có đầu vào ổn định thì đầu ra mình sẽ tốt hơn", bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Phát, TP Cần Thơ, cho hay.

"Hiện nay mình phải chủ động. Thứ nhất là tập trung để mua hàng, đảm bảo có lượng hàng trong kho cung cấp cho các thị trường mà hiện tại mình đang có để đảm bảo giữ được thị trường. Thứ hai là mình phải tập trung mua những lượng hàng chất lượng để làm sao có đủ lượng hàng khi ký hợp đồng với đối tác, mình không có rủi ro", ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long, nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo từ Ấn Độ và trong 6 tháng cũng đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ. Như vậy thiếu hụt nguồn cung gạo từ Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam. Thêm vào đó, gạo Ấn Độ đa phần thuộc phân khúc phẩm cấp thấp, trong khi gạo Việt Nam đang hướng tới thị trường chất lượng cao nên các doanh nghiệp cho rằng không quá đáng lo ngại trong lúc này.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định của Chính phủ, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.

Giá lúa tăng, gạo xuất khẩu chững lại Giá lúa tăng, gạo xuất khẩu chững lại

VTV.vn - Gạo xuất khẩu hiện đang chững giá, trong khi giá lúa liên tục tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước