ASEAN thúc đẩy phát triển Fintech

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/05/2023 09:17 GMT+7

VTV.vn - Số lượt cài đặt ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) tại Đông Nam Á, tính trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hội nghị liên quan sẽ bế mạc hôm nay (11/5) tại khu nghỉ dưỡng Labuan Bajo của Indonesia. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của mình, với chủ đề "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Indonesia đề xuất 7 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế tập trung vào 3 định hướng chính là: Hồi phục - Tái thiết; Kinh tế số và Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Với mảng kinh tế số, ASEAN đang chứng kiến sức bật đáng kinh ngạc liên quan đến dịch vụ ngân hàng số.

Dữ liệu toàn cầu của nền tảng phân tích và đo lường Adjust cho thấy, số lượt cài đặt ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) tại Đông Nam Á, tính trong 3 tháng đầu năm nay, đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng trên quy mô toàn cầu.

Theo Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, nước Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia đã và đang triển khai 8 dự án khác nhau để tăng cường thương mại, đầu tư và kết nối nội khối. Đáng chú ý bao gồm các dự án về Fintech như Mã QR ASEAN và Nền tảng cho vay ngang hàng.

Ông Arsjad Rasjid - Chủ tịch ASEAN-BAC 2023, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia cho biết: "Mã QR ASEAN là dự án đang đạt được rất nhiều tiến bộ, nhằm mục đích tạo thuận lợi thanh toán xuyên biên giới bằng cách cung cấp mã QR được tiêu chuẩn hóa để người bán chấp nhận thanh toán từ các ví điện tử khác nhau trong khu vực. Hiện tại, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã có hệ thống thanh toán được kết nối. Ngoài ra, Malaysia và Thái Lan cũng có tích hợp hệ thống thanh toán với Singapore. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn và đảm bảo khả năng tương tác của nó trên tất cả các nước ASEAN".

ASEAN thúc đẩy phát triển Fintech - Ảnh 1.

Hiện nay, các nước Đông Nam Á đã đưa ra nhiều chính sách để vừa thúc đẩy vừa quản lý một lĩnh vực mới như công nghệ tài chính (Fintech), tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Chính sách về giao dịch điện tử và định danh điện tử; Chính sách về dữ liệu và an toàn thông tin; Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng khu vực chấp nhận số hóa, hiểm họa tấn công mạng cũng lớn hơn, bên cạnh đó là những thách thức khác.

"Thách thức với các ngân hàng số là đảm bảo rằng họ có thể cung cấp giải pháp kỹ thuật số đầy đủ cho khách hàng, đồng thời tuân thủ luật pháp, quy định của địa phương. Lấy ví dụ về yêu cầu chữ ký điện tử, ở một số thị trường, quy định đã có sẵn, nhưng ở một số quốc gia ASEAN, luật và quy định vẫn chưa được áp dụng, điều đó có thể hạn chế khả năng các ngân hàng số cung cấp cho khách hàng trải nghiệm kỹ thuật số đầy đủ", ông Sylvester Kinuthia - Giám đốc khối Ngân hàng Giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết.

Các chuyên gia dự báo với hơn 680 triệu dân, đây sẽ là thị trường Fintech lớn còn nhiều dư địa phát triển. Tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước