Cần giải pháp mới để ổn định thị trường vàng trong nước

VTV Digital-Thứ năm, ngày 21/03/2024 09:53 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng, để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng.

Đây là công điện thứ 2 trong vòng 3 tháng, chưa kể là còn có các chỉ thị, văn bản đốc thúc khác. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ tới thị trường vàng.

Ngay trong chiều 20/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với các Bộ, ngành về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đã có 9 văn bản chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này trong thời gian gần đây, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa báo cáo Chính phủ kịp thời để có phản ứng chính sách phù hợp.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tìm ra nguyên nhân và nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn trong quản lý thị trường vàng. Bảo đảm quản lý phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để kinh doanh vàng trái pháp luật. Trước mắt, khi chưa ban hành được Nghị định mới thì Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách kịp thời để giải quyết những tồn tại của thị trường vàng hiện nay.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước có nhiều biến động trước áp lực từ đà tăng của vàng thế giới. Có thời điểm giá vàng miếng cao hơn so với giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng. Vì thế, cần sớm có các giải pháp ổn định thị trường này.

Cần giải pháp mới để ổn định thị trường vàng trong nước

Cần giải pháp mới để ổn định thị trường vàng trong nước - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Thời điểm 17h30 chiều qua, giá vàng SJC đang được giao dịch mua vào ở mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 81,42 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm khoảng 1,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với lúc mở cửa sáng nay. Các sản phẩm vàng khác có mức giá ổn định, gần như không có nhiều biến động so với lúc mở cửa sáng nay.

Những ngày gần đây lượng khách đến giao dịch cũng không có nhiều biến động, người đến mua chiếm khoảng 60%. Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước đang xem xét sửa đổi Nghị định 24, các doanh nghiệp đều cho rằng như vậy sẽ tạo những điều kiện tốt hơn cho hoạt động kinh doanh vàng.

"Việc đầu tiên là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của nhà nước, có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. Khi đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng. Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi", ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần mở cửa thị trường và ứng xử với vàng như một loại hàng hóa. Việc cho phép giao dịch vàng tài khoản cũng có thể là 1 giải pháp cần tính đến, bởi sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất. Qua đó, giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng quan trọng, là có cơ chế quản lý vận hành phù hợp.

GS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Nhu cầu nắm giữ vàng của người dân vẫn được thực hiện, được đảm bảo nhưng không nắm giữ bằng vàng vật chất. Nhà nước vẫn quản lý được số vàng đó, đồng thời số vàng này không phải là vàng vật chất nằm trong két của người dân không được huy động vào, đặc biệt đây là nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế mà chúng ta đang rất cần trong thời gian tới".

Sau 12 năm, Nghị định 24 được cho là đã hoàn hành sứ mệnh chống vàng hoá nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô trong một thời gian dài. Các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi nên việc có bộ công cụ mới, vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước