Đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết đồng bộ các vướng mắc

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 10/06/2023 06:02 GMT+7

VTV.vn - Các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cách tính giá đất...

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dư án Luật Đất đai (sửa đổi)

Từ cuối năm ngoái, hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trở thành một trong những hoạt động kinh tế, xã hội sôi nổi nhất, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp bởi đây là dự án luật có vai trò, tác động vô cùng lớn tới nhiều mặt của đời sống nhân dân.

Sáng 9/6, Quốc hội đã nghe các báo cáo và thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư hay những chồng chéo với các bộ luật khác và quy hoạch sử dụng đất.

Về nội dung quy hoạch, một số đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp ở địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc băn khoăn: "Nếu quy hoạch sử dụng đất cấp dưới mà được thẩm định, phê duyệt trước quy hoạch cấp cao hơn và đến khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt mà quy hoạch cấp dưới không phù hợp, thì lúc đó việc điều chỉnh, bổ sung và sửa quy hoạch cấp dưới như thế nào cho phù hợp cấp trên, rất lãng phí các nguồn lực".

Đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết đồng bộ các vướng mắc - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án phát triển kinh tế cần được tách biệt rõ ràng với những dự án xã hội. Ảnh minh họa.

Các đại biểu cho rằng cần phải rà soát, hoàn thiện pháp luật về các lĩnh vực có liên quan như: Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật đầu tư, Luật Đấu thầu... bởi thực tiễn cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật kể trên còn có mâu thuẫn, thiếu thống nhất với nhau và sẽ phát sinh những vấn đề mới khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng trong công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, dự án phát triển kinh tế cần được tách biệt rõ ràng với những dự án xã hội.

Tháo gỡ vướng mắc cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng

Có một thực tế tồn tại khá phổ biến trong công tác giải phóng, hỗ trợ tái định cư của nhiều dự án hiện nay là đa phần người có quyền sử dụng đất thường cho rằng mức giá mình được thông báo là quá thấp so với giá thị trường tại cùng thời điểm.

Trong khi những quy định liên quan đến việc xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng còn đang trong quá trình hoàn thiện thì đây vẫn là vấn đề gây nhức nhối nhất trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thời gian vừa qua.

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang là nội dung được quan tâm nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay.

Dự án Khu tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đầu tư hơn 760 tỷ đồng, với mục đích phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Nhưng tới nay hơn 6 năm, dự án vẫn bỏ hoang vẫn chưa có người tới ở, hạ tầng sập sệ, khuôn viên trở thành nơi tập kết rác thải.

Tại sao nhà tại định cư xây xong mà chưa được xây dựng? Theo phóng viên VTV tìm hiểu, do dự án cần di dời người dân không đạt được sự đồng thuận với mức giá đền bù trong nhiều năm qua. Bởi lẽ, theo bảng giá đất, mức giá bồi thường ở thời điểm thu hồi là 252.000 đồng/m2, trong khi thực tế, hiện nay giá đất ngoài thị trường lên đến hàng chục triệu đồng một m2.

Ông Hà Đình Phú - Tổ 4, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết: "Một số hộ dân không đồng tình giá cả nên chưa nhận tiền bồi thường".

Đại biểu kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết đồng bộ các vướng mắc - Ảnh 2.

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang là nội dung được quan tâm nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay. Ảnh minh họa.

Cơ sở để đưa ra giá đền bù giải phóng mặt bằng hợp lý chính là xác định giá phù hợp với giá thị trường. Theo quy định hiện hành, khung giá đất là giá do Nhà nước quy định, ban hành định kỳ 5 năm một lần. Quy định này khiến cho thị trường tồn tại cơ chế 2 giá đất: Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành; Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá của Nhà nước.

Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định về khung giá đất sẽ được bỏ, thay thế vào đó là bảng giá đất sát với thị trường hơn.

"Cần phân biệt rõ giá đền bù và giá đất. Xây dựng giá đền bù như thế nào, giá đất như thế nào vẫn là cái theo tôi chưa rõ ràng, còn nhiều ý kiến khác nhau", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Chúng ta phải xây dựng hệ thống công nghệ để tính toán để đưa ra chỉ số đất, giá đất theo thị trường của từng thời gian".

Nói tới việc thu hồi đất làm dự án, chắc chắn đi theo đó là câu chuyện sắp xếp, ổn định nơi ở mới cho người dân bị thu hồi đất, bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu người dân có bằng lòng chuyển tới các khu tái định cư được xây sẵn hay không, hay là phải có phương án nhận đền bù bằng tiền, hoặc người dân được lựa chọn khu vực khác?

"Luật cũng phải cần cụ thể hóa tiêu chí thế nào là tốt hơn nơi ở cũ. Nếu chúng ta không thể chế hóa điều này sau này thực hiện sẽ dễ xảy ra rất nhiều tranh chấp", bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh nói.

Ông Nguyễn Hải Anh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất: "Tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc thời gian các khu tái định cư hoàn thiện toàn bộ hạ tầng xã hội trước khi thu hồi đất, coi như đây là nguyên tắc tiên quyết để các chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan phải thực hiện trước khi chúng ta triển khai".

Một số ý kiến cũng cho rằng, rất khó có thể nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của người dân trong quá trình thu hồi đất, do đó cần tính đến một phương án như trong dự thảo luật đã đề cập là chỉ bảo đảm có bao nhiêu phần trăm theo đa số. Còn lại phải có những biện pháp hành chính khác can thiệp. Điều này tránh được tình trạng giải phóng mặt bằng một dự án, có tới 99% người dân đồng thuận nhưng chỉ có 1% không tán thành thì rất khó để triển khai.

Ngoài các nội dung nêu trên, trong số hơn 12 triệu ý kiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập hợp, nhiều vấn đề khác được đề cập đến như: Cơ chế giao đất, cho thuê đất, thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất… Tất cả cho thấy tầm quan trọng của một trong những dự án luật quy mô nhất hiện nay.

Kỳ vọng của người dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương là mong muốn Dự thảo Luật sửa đổi sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, rành mạch, đầy đủ, nhưng cũng linh hoạt, thuận tiện nhất, để tháo gỡ các điểm nghẽn đang hiện hữu, tác động rất lớn đến đời sống hiện nay của người dân.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước