Để ngành bò thịt cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu

Anh Thư-Thứ sáu, ngày 17/11/2023 15:05 GMT+7

VTV.vn - Các ý kiến cho rằng để có một ngành bò thịt cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu, Việt Nam phải có được số lượng lớn, ổn định và chất lượng thịt mềm, thơm ngon hơn.

Cơ hội từ xu hướng tiêu dùng thịt bò tăng lên

Hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp khoảng 25% vào GDP của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, dù đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn rất khiêm tốn.

Tính bình quân cả năm, lượng thịt bò mới đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045, xác định đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 - 6,6 triệu con. Trong đó, khoảng 30% được nuôi tại trang trại.

Để ngành bò thịt cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu - Ảnh 1.

Quầy hàng thịt bò tại một siêu thị. (Ảnh: NLĐ)

Đổi mới và phát triển thương mại bò thịt

Mới đây, tại Hà Nội, các bên đã có dịp bàn thảo những giải pháp nhằm khắc phục tồn tại và đổi mới, phát triển ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia - Việt Nam, các chuyên gia kỹ thuật, các hiệp hội ngành, doanh nghiệp, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt của cả 2 nước đã cùng nhau đưa ra kế hoạch hợp tác về thương mại bò thịt.

Các chuyên gia của Australia đã đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam về cải thiện giống, hoàn chỉnh hệ thống thức ăn, áp dụng quy trình vỗ béo nâng cao chất lượng thịt, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng để có một ngành bò thịt cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu, Việt Nam phải có được số lượng lớn, ổn định và chất lượng thịt mềm, thơm ngon hơn.

"Tại Australia, đất đai rộng lớn, các trang trại đều quy mô lớn. Còn Việt Nam, đất đai trồng nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc chưa nhiều, đồng thời quy mô trang trại tại Việt Nam chủ yếu là quy mô hộ gia đình. Vì vậy, chúng tôi đã mời tới 30 chuyên gia hàng đầu bò thịt của Australia để tăng cường chuỗi giá trị cung cấp bò sống và thịt bò giữa 2 nước", ông Wayne Collie, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất khẩu gia súc sống của Australia, cho biết.

Với thị trường hơn 100 triệu dân có nhu cầu cao hơn trong tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng, Việt Nam còn nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Vì vậy đây cũng là cơ hội để 2 bên hợp tác, trao đổi các kỹ thuật hiện đại của ngành chăn nuôi bò thịt Australia.

"Kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa 2 nước, chúng tôi cũng có một thị trường rất lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Chúng ta có thể thúc đẩy bước phát triển hợp tác tiếp theo. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã xuất khẩu được hơn 300 ngàn con bò sang Việt Nam và chúng tôi cũng rất mong muốn có thể tiếp tục thúc đẩy thương mại ở lĩnh vực này. Chúng ta có thể tính đến một thương hiệu bò Australia được nuôi tại Việt Nam để có thể xuất khẩu", ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Australia, cho hay.

Việt Nam đã trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn, nhưng đối với thịt bò, vẫn còn phải nỗ lực hơn nữa.

Việc tiếp cận với những nước có ngành chăn nuôi bò thịt tiên tiến sẽ là cơ sở để tạo dựng thành ngành hàng mới trong tương lai.

Loạn giá thịt bò đông lạnh Mỹ, Australia Loạn giá thịt bò đông lạnh Mỹ, Australia

VTV.vn - Nhiều nơi tại Hà Nội bán thịt bò đông lạnh được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Australia, Mỹ song mỗi nơi lại rao một giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước