Đề xuất chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: Cần đột phá và khoan sức dân?

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 22/10/2021 15:13 GMT+7

Quốc hội nghe trình bày dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế

VTV.vn - Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thí điểm là việc không nên làm.

Sáng 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn rằng, việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, cần làm rõ việc “thí điểm” như thế nào cũng như thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và việc phân quyền cho các địa phương thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù này ra sao.

“Điều quan trọng hơn trong việc thí điểm này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng”, bà Thủy nêu ý kiến,

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để tạo cơ chế đột phá cho các địa phương phát triển. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn lựa chọn tiêu chí đặc thù đối với các tỉnh, thành phố, để sau thí điểm có thể giúp cho kinh nghiệm áp dụng trên cả nước.

Đề xuất chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: Cần đột phá và khoan sức dân? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế chính sách, đặc thù là cần thiết để tạo ra sự đột phá

Tại một quan điểm khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng không nên ra một nghị quyết cái gọi là cơ chế đặc thù, mà nên nói đây là thí điểm.

Ông Lộc cho rằng nên ra một Nghị quyết thực hiện cơ chế thí điểm, để mở đường cho các chính sách cải cách và mở cửa. Bởi hiện nay cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Nếu muốn đạt được mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển, chúng ta không thể lùi được, chỉ có một con đường tiến. Chúng ta phải nỗ lực bằng mọi cách, những thử nghiệm cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

"Chất lượng thể chế trung bình thì không thể có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao. Không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu chúng ta không vượt khỏi cái bẫy chất lượng thể chế trung bình. Phải có những thử nghiệm, cải cách, điều này không thể làm đồng loạt mà phải thí điểm ở một số địa phương”, ông Lộc nhấn mạnh

Cũng theo ông Lộc, nếu thí điểm quá rộng sẽ trở thành đại trà, nếu quá hẹp không còn mang tính chất thí điểm.

Đề xuất chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: Cần đột phá và khoan sức dân? - Ảnh 2.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù không nên tạo ra thêm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Chi phí là vấn đề tiếp theo mà đại biểu Lộc đề cập đến. Đại biểu này cho rằng không nên “đẻ” ra bất cứ cái gì để đè gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong vòng 2 năm tới.

“Cần khoan sức dân ít nhất là trong giai đoạn này. Chúng ta “đẻ” ra một số cái thí điểm song tăng thu, chi phí cho người dân doanh nghiệp thì hướng này không nên làm”, ông Lộc khẳng định.

Cần sự đột phá

Góp ý kiến về dự thảo, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách) cho rằng cơ chế đặc thù là những quy định tương thích với từng địa phương. Và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, chúng ta có những cơ chế chính sách tương ứng với tiềm năng của từng địa phương.

Theo bà Mai, các chính sách trong dự thảo khá tương đồng, không thể hiện được sự đặc thù của từng địa phương. Nếu nhìn vào dự thảo, bà Mai cho rằng chưa thấy được sự đột phá, sự đổi mới, các điểm thật sự mạnh mẽ. Vấn đề tiếp theo bà Mai đề cập là tính bao quát khi trong dự thảo vẫn chủ yếu tập trung vào các vấn đề về ngân sách. Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng điều này cần rà soát lại.

Đề xuất chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: Cần đột phá và khoan sức dân? - Ảnh 3.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cần sự đột phá hơn

Cùng quan điểm với bà Mai, đại biểu Trường Xuân Cừ cho rằng cần phải có những chính sách đột phá một chút, mang tính đặc thù. Đại biểu này cho rằng các chính sách trong dự thảo đang khá “bình bình”.

Ông Cừ lấy ví dụ, chúng ta có nhiều cảng biển, nhưng doanh thu rất thấp, không cạnh tranh được với quốc tế. Ví dụ như cảng Hải Phòng, năm 2019 doanh thu chỉ đạt 17.000 tỷ đồng, chưa được 1 tỷ USD. Trong khi doanh thu tại cảng Singapore trên 20 tỷ USD/năm. Tại sao không đột phá tập trung nguồn lực cảng Hải Phòng để đưa cảng này cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.

“Mỗi một địa phương nên có một chính sách đặc thù đột phá, sau này qua thí điểm chúng ta tổng kết lại cái nào tốt ta áp cho các địa phương còn lại”, đại biểu Cừ đề xuất.

Trình bày dự thảo Nghị quyết vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển các địa phương.

"Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với thành phố Hải Phòng, hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Đối với định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, HĐND thành phố Hải phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Còn phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất… Dự thảo Nghị quyết nêu trên quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước