Giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp phục hồi

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/04/2024 06:25 GMT+7

VTV.vn - Việc giảm thuế cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong nửa đầu năm nay sẽ khiến ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 25.000 tỉ đồng. Dù vậy, đây là một trong những là chính sách được đánh giá là có hiệu quả nhất trong các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Do đó các nhà kinh tế và doanh nghiệp đề xuất, cần xem xét tiếp tục gia hạn thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm nay.

Doanh nghiệp có trên 4.000 điểm bán hàng và nhiều nhà máy chế biến nông sản. Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết: "Cũng giúp doanh nghiệp hạ giá thành. Thứ 2, gia tăng chương trình khuyến mại để thu hút người dùng. Thứ 3, đầu tư thêm vào thiết bị cũng như công nhân viên".

"Khách hàng nhìn thấy được mức giá giảm tương ứng với tỷ lệ mua sắm của họ, qua đó cũng kích thích được nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng", ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc WinCommerce thông tin.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải đối phó với lạm phát gia tăng thì chính sách giảm thuế GTGT đã giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát trong giới hạn đặt ra.

Tiêu thụ nội địa được đẩy mạnh, xuất khẩu gia tăng trở lại do các doanh nghiệp đã được tiếp thêm nguồn lực từ việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết: "Nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp được giảm, lượng hàng của các doanh nghiệp đã được giải phóng, vấn đề lợi nhuận trên đầu các sản phẩm doanh nghiệp được gia tăng. Chúng tôi thấy có gần 10.000 hộ kinh doanh cá thể đã chuyển đổi mô hình thành các công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn".

Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài nên việc tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách giảm thuế GTGT, thúc đẩy tăng trưởng của khu vực bán lẻ và dịch vụ, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay là vấn đề đang được đặt ra.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Đầu tư tư nhân còn rất khiêm tốn so với mọi năm cho nên giảm thuế phí cần tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Nó như một giải pháp hỗ trợ của nhà nước cho khu vực tư nhân trong nước hồi phục".

Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng việc thực hiện giảm thuế GTGT 2% trong nửa đầu năm nay sẽ khiến ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 25.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, qua đó giúp thu thuế nội địa trong các tháng đầu năm vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra trên 10%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước