Hiện thực "giấc mơ" cảng nước sâu Trần Đề cho vùng ĐBSCL: Cần tầm nhìn chiến lược

Vũ Hoàn-Thứ hai, ngày 12/06/2023 07:00 GMT+7

VTV.vn - Cảng nước sâu Trần Đề hình thành cũng đồng nghĩa với việc mở ra một cửa ngõ mới, rộng và tiện nghi nhất ở ĐBSCL, thúc đẩy phát triển vùng và liên kết quốc tế.

Hiện thực hoá "giấc mơ" cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ sự thống nhất ủng hộ ý kiến đề xuất quy mô dự án khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc cảng biển loại đặc biệt.

Hiện thực giấc mơ cảng nước sâu Trần Đề cho vùng ĐBSCL: Cần tầm nhìn chiến lược - Ảnh 1.

Cảng nước sâu Trần Đề có vị trí chiến lược trên bản đồ giao thông thủy Việt Nam và khu vực.

Theo đó, về nguồn vốn lập nghiên cứu tiền khả thi dự án khu bến cảng Trần Đề, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có xác định quan điểm huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cảng, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm; Ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn, có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc ngân sách để tổ chức thực hiện theo quy định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định 5 năm tới Trần Đề sẽ có một diện mạo khác: Bức tranh rõ ràng về cao tốc là đến năm 2025 chúng ta sẽ có gần 500 km đường cao tốc. Điểm cuối của cao tốc này kết nối vào cảng Trần Đề, toàn bộ hạ tầng giao thông đường bộ thuận lợi.

Một khi được hoàn thành, Trần Đề sẽ là một cảng quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa của toàn khu vực ĐBSCL chứ không chỉ riêng Sóc Trăng.

Hiện thực giấc mơ cảng nước sâu Trần Đề cho vùng ĐBSCL: Cần tầm nhìn chiến lược - Ảnh 2.

Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng.

Gỡ nút thắt logistics

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Bộ GTVT về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.

Cụ thể, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức PPP, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan Nhà nước đề xuất dự án.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2030, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200 m, gồm 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT. Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400 ha.

Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500 m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18 km.

Đồng thời, khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; Đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.

Hiện thực giấc mơ cảng nước sâu Trần Đề cho vùng ĐBSCL: Cần tầm nhìn chiến lược - Ảnh 3.

Quy hoạch tổng thể Cảng nước sâu Trần Đề

Định hướng đến năm 2050 và sau năm 2050, nâng cấp cảng lên 7 bến tổng hợp và 8 bến container, tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 DWT (18.000Teu). Công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng 80 - 100 triệu tấn/năm.

Giai đoạn này cũng sẽ kéo dài cầu cảng tiếp chuyển hàng hóa phía bờ lên 7.300 m, tiếp nhận tàu, phương tiện thủy nội địa, sà lan đến 5.000 DWT; công suất hàng hóa thông qua khoảng 40 - 50 triệu tấn mỗi năm.

Theo tính toán ban đầu của UBND tỉnh Sóc Trăng, để sớm hình thành cảng cửa ngõ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình gồm: cầu vượt biển, đường kết nối sau cảng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đê chắn sóng, bến cảng Trần Đề ngoài khơi, luồng tàu giai đoạn đến năm 2030. Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 42.423 tỉ đồng. Trong đó, tiền xây cầu vượt biển khoảng 8.886 tỉ đồng, đường kết nối phía sau cảng 663 tỉ đồng, bến cảng ngoài khơi 24.052 tỉ đồng.

Hiện thực giấc mơ cảng nước sâu Trần Đề cho vùng ĐBSCL: Cần tầm nhìn chiến lược - Ảnh 4.

Phối cảnh Cảng nước sâu Trần Đề

Để giảm áp lực cho nhà đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng tuyến đường sau cảng dài 6,1 km kết nối từ bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề đến điểm cuối tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Quốc lộ Nam sông Hậu và tuyến đê chắn sóng giai đoạn đến năm 2030 dài 6,1 km theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT "có kế hoạch phân luồng điều tiết hàng hóa giữa bến cảng cửa ngõ Trần Đề và các bến cảng khác trong khu vực ĐBSCL và Cái Mép - Thị Vải... theo hướng tập trung đầu tư tuyến kết nối toàn vùng về bến cảng quốc tế Trần Đề để thu hút hàng container xuất khẩu, nhập khẩu vùng ĐBSCL thay vì vận chuyển lên khu vực TP Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải như hiện nay".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước