Kịch bản nào cho một "cuộc chiến thương mại Trung - Ấn"?

Như Anh-Thứ tư, ngày 01/07/2020 22:50 GMT+7

VTV.vn - Nếu tranh chấp khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ không hạ nhiệt, nền kinh tế 2 nước sẽ đứng trước những hệ luỵ nào?

Tranh chấp khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ nổ ra mới đây không chỉ dừng lại ở mức độ căng thẳng chính trị mà nhiều tờ báo trên thế giới đã bắt đầu nghĩ tới một kịch bản cho một cuộc chiến thương mại Trung- Ấn.

Bước đi mới nhất từ phía Ấn Độ là chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả những cái tên rất được giới trẻ nước này ưa thích là TikTok và WeChat. Công ty mẹ của ứng dụng TikTok trước đó đã có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ. 

Quốc gia Nam Á đông dân này là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và chiếm tới 30% trong số 2 tỷ lượt download ứng dụng này trên toàn thế giới. Phía chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng.

Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết: "Phía Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng các công ty Trung Quốc luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và địa phương khi làm ăn tại các quốc gia khác. Phía Ấn Độ vì thế cũng cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư Trung Quốc. Việc mối quan hệ giao thương 2 nước có bất kỳ sự gián đoạn nào cũng không có lợi cho Ấn Độ".

Nhưng TikTok có thể sẽ không phải là nạn nhân duy nhất khi 2 quốc gia căng thẳng với nhau. Với dân số khá tương đồng, giao thương giữa 2 quốc gia đạt mức 92.5 tỷ USD/năm. Trung Quốc chính là bạn hàng quan trọng thứ 2 của Ấn Độ.

 Khoảng một nửa các mặt hàng đồ điện mà Ấn Độ nhập khẩu là từ Trung Quốc và 2/3 số nguyên liệu cho ngành y dược nội địa của Ấn Độ cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ mong muốn tự chủ hơn trong những ngành công nghiệp nói trên, nhưng không thể phủ nhận sẽ rất khó để thay thế hoàn toàn các mặt hàng Trung Quốc giá thành rẻ hơn. 

Kịch bản nào cho một cuộc chiến thương mại Trung - Ấn? - Ảnh 1.

Binh lính Ấn Độ canh gác dọc đường cao tốc dẫn đến Ladakh. Ảnh: Reuters

Tại Ấn Độ, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang chất đống và tắc nghẽn tại các cầu cảng, chờ đợi được thông quan. Cả 2 quốc gia đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên nếu căng thẳng kéo dài sẽ đe doạ tới hoạt động sản xuất và cung ứng.

Trong lúc cả 2 quốc gia đều đang chật vật phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, căng thẳng thương mại tạo ra áp lực kép. Tờ The Print trích dẫn lời của những chủ xưởng sản xuất đồ điện tại Ấn Độ, lo ngại sẽ không biết phải hoạt động trở lại như thế nào khi mà nguyên vật liệu từ Trung Quốc vẫn chưa được cấp phép thông quan. 

Mặc dù thị trường và lĩnh vực công nghệ Ấn Độ vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư Trung Quốc nhưng Ấn Độ có thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, và có lý do để lo ngại Trung Quốc sẽ áp đòn kinh tế như là hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng Ấn Độ rất cần. Trước mắt, theo trang Foreign Policy phân tích, với bất kỳ sự bất hoà nào trong quan hệ kinh tế 2 nước thì bên thua thiệt vẫn là Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước