Thị trường tài chính khu vực là đối tượng đầu tiên phải nếm trái đắng. Ngay sau khi căng thẳng Mỹ - Iran bùng nổ, thị trường chứng khoán Kuwait, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã đồng loạt giảm điểm mạnh.
Theo các chuyên gia, nếu tình hình diễn biến xấu trong thời gian dài, dòng vốn đầu tư vào khu vực này sẽ sụt giảm, trong khi chi phí vay mượn từ nước ngoài gia tăng, đe dọa trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng nền kinh tế.
Ngành du lịch - lữ hành cũng chịu thiệt hại không nhỏ, khi nhiều hãng hàng không như Singapore Airlines, Qantas, Lufthansa, Emirates phải tạm tránh các chuyến bay qua không phận Iran và hủy bỏ các chuyến bay đến thủ đô Baghdad của Iraq. Các tuyến đường bay qua khu vực Trung Đông cũng bị điều chỉnh, làm gia tăng chi phí cho các công ty lữ hành. Đây sẽ là mối đe dọa không nhỏ đối với ngành du lịch của nhiều quốc gia trong khu vực.
Thị trường lao động Trung Đông cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trong ngành nghề quan trọng, khi nhiều quốc gia cân nhắc sơ tán công dân khỏi khu vực. Chính phủ Philippines đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với công dân nước này tại Iraq, đồng thời chuẩn bị tàu và máy bay để chuẩn bị cho việc sơ tán công dân khỏi các nước lân cận.
Giới chức Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã bày tỏ quan ngại về sự an toàn của công dân các nước này hiện đang làm việc tại khu vực, đồng thời cân nhắc các biện pháp bảo hộ công dân.
Hiện châu Á đang chiếm tới 40% số lao động nhập cư trên toàn thế giới, trong đó một lượng lớn làm việc tại các nước Trung Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!