Kinh tế miền Trung: Khi mỗi "con sếu" đầu đàn đang bay về một hướng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/07/2020 20:29 GMT+7

VTV.vn - Dung Quất, Chu Lai, hay Nhơn Hội đang được ví như những “con sếu” đầu đàn ở mỗi tỉnh miền Trung. Nhưng đáng tiếc mỗi “con sếu” lại đang bay về một hướng.

Mỗi "con sếu" đang bay về một hướng...

Chiếm 1/3 chiều dài bờ biển của cả nước, với vị trí là "mặt tiền" của quốc gia hướng ra biển Đông, miền Trung là vùng đất có rất nhiều lợi về kinh tế, văn hoá, du lịch. Trong đó, tiềm năng rất lớn để phát triển các ngành như: Công nghiệp dầu khí; khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển, vận tải biển, đóng tàu; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản… Nhưng để tương xứng với tiềm năng, miền Trung vẫn cần sự liên kết để bứt phá.

Hiện mỗi tỉnh duyên hải miền Trung đều có một khu kinh tế. Tuy nhiên, các khu kinh tế, khu công nghiệp hay vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại chưa tạo ra bước đột phá. Thậm chí, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng lại đang có sự cạnh tranh, xung đột lợi thế lẫn nhau và cũng chưa kết nối được.

Kinh tế miền Trung: Khi mỗi con sếu đầu đàn đang bay về một hướng - Ảnh 1.

Miền Trung có nhiều thuận lợi vượt trội để phát triển liên kết vùng nhưng việc tận dụng thời cơ để bứt phá của khu vực này còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa.

Dung Quất, Chu Lai, hay Nhơn Hội đang được ví như những "con sếu" đầu đàn ở mỗi tỉnh miền Trung. Nhưng đáng tiếc mỗi "con sếu" lại đang bay về một hướng. Tập hợp những "chú sếu" này để tạo nên động lực cho cả vùng vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Để thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển hơn nữa, cần phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn cùng sự hỗ trợ, đồng hành và kết nối giữa các địa phương với nhau chặt chẽ hơn nữa mới tạo ra được động lực lớn cho cả vùng. Đây cũng là điều nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị.

Tăng kết nối để miền Trung phát triển

Hiện miền Trung có 14 tỉnh thì 9 tỉnh có sân bay, 17 cảng biển, 9 khu kinh tế. Điều này cho thấy đây là khu vực rất thuận lợi cho phát triển liên kết vùng. Tuy nhiên, sự lan tỏa từ liên kết vùng lại chưa như kì vọng. Bởi vậy, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông để tăng tính liên kết là vấn đề đầu tiên để tăng hiệu quả và sự lan tỏa từ liên kết vùng giữa các tỉnh miền Trung.

Tại Bình Định, 6 tháng đầu năm nay, 2 dự án giao thông lớn được đầu tư từ vốn đầu công là Quốc lộ 19 mới và tuyến đường phía Tây với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Hai dự án này đã đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội giao thương, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.

Hai dự án giao thông trên được tỉnh Bình Định ưu tiên số 1 để bố trí nguồn vốn. Nhờ lựa chọn giải pháp ưu tiên dự án trọng điểm, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc nên giải ngân vốn đầu tư công Bình Định thuộc nhóm cao nhất nước, đạt 42,6 %.

Kinh tế miền Trung: Khi mỗi con sếu đầu đàn đang bay về một hướng - Ảnh 2.

Các địa phương miền Trung cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa mới tạo ra được động lực lớn cho cả vùng. Ảnh minh họa.

Bình Định cũng như nhiều địa phương khác trong vùng, chọn giải pháp tập trung vốn đầu tư công cho các công trình ưu tiên, nhất là các công trình hạ tầng giao thông. Nhưng chính các địa phương cũng cần sự sát cánh vào cuộc, hỗ trợ từ các Bộ, ngành, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang gây ra nhiều khó khăn hơn trước.

Để có thể gắn kết chặt chẽ hơn nữa nhằm tạo nên động lực, những rào cản về cơ chế chính sách cho các tỉnh miền Trung cũng cần được tháo gỡ, thông thoáng hơn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các tỉnh miền Trung phát huy và tương xứng với tiềm năng của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước